Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (28/6 - 4/7): Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, sắp thông xe cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ

Khởi công cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7; phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hạ Long... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Dự kiến hơn 114.000 tỷ đồng làm metro Thủ Dầu Một - TP HCM và đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng

 Hướng tuyến đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng. (Ảnh: Báo Công lý). 

Vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cũ (nay là TP HCM) đã chủ trì Phiên họp UBND tỉnh lần thứ 105.

Phiên họp đã xem xét cho ý kiến đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hai dự án bao gồm tuyến đường sắt đô thị số 02: Thủ Dầu Một - TP HCM. Chiều dài tuyến khoảng 22 km. Hình thức đầu tư là đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 50.425 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng có chiều dài tuyến chính 52,25 km Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 64.148,6 tỷ đồng. 

Khởi công cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Ngày 29/6, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đã chính thức được khởi công.  Tuyến có tổng mức đầu tư lên đến 17.718 tỷ đồng với chiều dài là hơn 73,6 km, vận tốc thiết kế 100 km/h.

 Hướng tuyến dự án. (Ảnh: UBND tỉnh Lâm Đồng).

Dự án có điểm đầu tại Km126+484,93 thuộc phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, trùng với điểm cuối cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc điểm cuối tại khoảng Km200+100, giao với cao tốc Liên Khương - Prenn thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. 

Chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7

Từ ngày 1/7, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp chính thức được triển khai. Từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước nay còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh – con số ít nhất kể từ ngày đất nước thống nhất.

Cùng với đó, cả nước sẽ giảm từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 3.321 đơn vị (gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu).

Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ sẵn sàng thông xe vào ngày 19/8

Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ qua tỉnh Quảng Trị là trong 6 dự án thành phần được Bộ Xây dựng dự kiến đưa vào thông xe ngày 19/8 tới đây.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ dài hơn 65 km.Điểm đầu giao với dự án cao tốc đoạn Bùng - Vạn Ninh tại tỉnh Quảng Bình (cũ) và điểm cuối giao với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại tỉnh Quảng Trị.

 Công trường thi công dự án. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Dự án có 2 gói thầu xây lắp, khởi công ngày 1/1/2023, kế hoạch hoàn thành tháng 10/2025. Hiện các đơn vị phấn đấu khai thác thông tuyến chính và hoàn thành dự án trong tháng 7.

Hà Nội sẽ làm đường nối cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh cũ (nay đã thành 5 xã sau sáp nhập, sắp xếp) đã công bố Báo cáo Đánh giá tác động môi trường dự án đường kết nối cầu Tứ Liên từ nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Trường Sa đến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Chiều dài xây dựng của dự án khoảng 5,7 km. Về tiến độ, tổng thời gian thực hiện dự án từ quý III/2024 đến hết năm 2027. Tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đến hết năm 2025. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.076 tỷ đồng.

Mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành từ 19/8

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cơ bản đồng ý đề xuất thực hiện mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành theo thủ tục đối với công trình khẩn cấp để kịp khởi công ngày 19/8.

Dự án mở rộng đường cao tốc đoạn TP HCM - Long Thành có phạm vi đầu tư mở rộng tuyến có tổng chiều dài gần 22 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 15.337 tỷ đồng.

Phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hạ Long 

Theo VnExpress, Tập đoàn Vingroup mới đây đề xuất cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh và bổ sung tuyến đường sắt này vào quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh có tốc độ thiết kế 350 km/h. Điểm đầu tuyến đường tại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, TP Hà Nội; điểm cuối tại khu công viên rừng phường Đại Yên, tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài 120,9 km. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 5,4 tỷ USD (tương đương 133.175 tỷ đồng), thời gian thực hiện đến năm 2030.

Hợp long cầu Bình Gởi trên tuyến Vành đai 3 TP HCM

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương cũ đã tổ chức Lễ hợp long cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn.

Cầu Bình Gởi thuộc gói xây lắp 4 dự án đường Vành đai 3 TP HCM đoạn qua địa bàn Bình Dương. Hiện dự án thi công đạt khối lượng 75% (427,01 tỷ/569,35 tỷ) so với khối lượng hợp đồng.

Cầu Bình Gởi. (Ảnh: UBND tỉnh Bình Dương). 

Cầu Bình Gởi có chiều dài 1 km, mặt cắt ngang 19,75 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc đạt 100 km/h. Cầu được dự kiến thông xe kỹ thuật trong tháng 12/2025.