Thủy điện không còn là tâm điểm: Đâu là cổ phiếu năng lượng tâm điểm nửa cuối 2025?
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 04/07/2025 12:55
- Cao Phong
Trong chương trình “Cafe Cùng Chứng 2/7: Duy trì xu hướng tích cực” do CTCP Chứng khoán SSI tổ chức, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu – Chuyên gia Chiến lược đầu tư tại SSI Research đánh giá rằng thủy điện không còn giữ vai trò trung tâm như giai đoạn trước. Thay vào đó, các nhóm cổ phiếu liên quan đến nhiệt điện, điện khí LNG và xây lắp – tư vấn được kỳ vọng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong nửa cuối năm 2025, khi ngành điện từng bước bước vào giai đoạn tái cấu trúc theo các quy hoạch mới.
Ông cho biết nửa đầu năm 2025 chứng kiến những chuyển biến đáng kể trong thị trường điện Việt Nam. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 7,3%, nhưng tiêu thụ điện chỉ tăng khoảng 3,5%, thấp hơn đáng kể so với chỉ số đàn hồi điện truyền thống (chỉ số thể hiện mối tương quan giữa tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện và tốc độ tăng trưởng GDP).
Lý do chính là năm nay nền nhiệt thấp hơn so với trung bình nhiều năm, mùa nóng đến muộn. Điều này dẫn đến nhu cầu điện sinh hoạt không tăng mạnh. Theo ông Hiếu, “sự chênh lệch này không chỉ làm giảm nhu cầu huy động nguồn nhiệt điện, mà còn khiến nhóm cổ phiếu thủy điện dần mất đi vị trí tâm điểm từng có”.
Cũng theo nhà phân tích từ SSI, thủy điện có sản lượng tốt, nhưng giá bán thấp, nên lợi nhuận khó đột biến. Mặc dù điều kiện thời tiết năm nay nhìn chung thuận lợi, giúp gia tăng sản lượng, nhưng việc giá điện trên thị trường hạ nhiệt do EVN không còn nhu cầu mua điện từ các nguồn chi phí cao đã khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp thủy điện bị co hẹp. Ông Hiếu lưu ý thêm, xu hướng này có thể kéo dài khi hiện tượng La Nina được dự báo sẽ suy yếu vào cuối năm.

Xu hướng thời tiết và mục tiêu cơ cấu nguồn điện Việt Nam đến năm 2030. Nguồn: Trích từ SSI Research trong chương trình “Cafe Cùng Chứng 2/7: Duy trì xu hướng tích cực” do CTCP Chứng khoán SSI thực hiện.
Nhiệt điện và điện tái tạo: Tăng trưởng từ nền tảng cốt lõi
Một trong những cổ phiếu nổi bật được đưa ra là CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2). Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu phân tích, “NT2 có nền so sánh thấp, sản lượng phục hồi, huy động ổn định.” Sau giai đoạn hai năm bị ảnh hưởng bởi thiếu hụt khí đầu vào, năm 2025 NT2 được đảm bảo nguồn cấp khí ổn định trở lại. Ngoài ra, công ty có thể ghi nhận thêm lợi nhuận từ hoàn nhập lỗ tỷ giá và chi phí môi trường được EVN thanh toán đúng hạn.
Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) cũng được ông Hiếu đánh giá là một trong những điểm sáng đáng theo dõi. “Dù từng phải trích lập dự phòng lớn cho dự án Hồng Phong B, nhưng Hà Đô đang hồi phục, và còn triển khai bán lại dự án The Charm Villas với giá gấp đôi kỳ vọng trước đây.” Không chỉ vậy, hai nhà máy Hồng Phong 4 và SP Infra 1 – từng chiếm 20% sản lượng điện của doanh nghiệp – hiện đã vận hành ổn định trở lại.
Ở mảng bất động sản, Hà Đô đang thực hiện mở bán tại khu đô thị Bắc An Khánh với mức giá gần 200 triệu đồng/m². Đây là mức giá cao hơn đáng kể so với kỳ vọng ban đầu và có thể mang lại lợi nhuận đột biến cho doanh nghiệp trong năm nay.
Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, hai cổ phiếu NT2 và HDG đều có động lực tăng trưởng đến từ hoạt động cốt lõi và không phụ thuộc vào yếu tố chính sách hay thời tiết, phù hợp với định hướng chọn lọc cổ phiếu thực chất trong giai đoạn hiện nay.
Điện khí LNG và nhóm thượng nguồn: Đón đầu xu hướng dài hạn
Triển vọng đầu tư trung – dài hạn của ngành điện đang xoay quanh nhóm doanh nghiệp liên quan đến điện khí LNG và nhóm xây lắp – tư vấn điện lực. Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, “trong trung – dài hạn, khi cơ chế giá điện mới cho điện LNG nhập khẩu được ban hành, các cổ phiếu như POW cũng có thể tạo đột phá”. Hiện nay, Nhơn Trạch 3 đã bước vào giai đoạn vận hành thử trong quý II/2025 và Nhơn Trạch 4 dự kiến sẽ chạy thử trong quý III/2025.
Nhà phân tích này đánh giá rằng nhóm doanh nghiệp thượng nguồn như PC1 (xây lắp điện) và TV2 (tư vấn điện lực) có thể hưởng lợi trong bối cảnh nhu cầu tăng công suất nguồn điện ngày càng rõ nét. Các cổ phiếu này từng tăng giá nhờ kỳ vọng vào việc sửa đổi Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, hiện tại thị trường vẫn đang chờ đợi các cơ chế cụ thể được ban hành để các dự án có thể bước vào giai đoạn triển khai thực tế.
Ở góc nhìn dài hạn, ông Hiếu cho rằng các doanh nghiệp trong nhóm điện khí LNG và thượng nguồn xây lắp có vai trò tiên phong trong giai đoạn chiến lược chuyển dịch cơ cấu ngành điện. Khi các quy hoạch nguồn – lưới được cụ thể hóa, nhóm này sẽ là những đơn vị đầu tiên được phân bổ dự án và triển khai thực tế, với khả năng tạo ra chuỗi giá trị gia tăng đáng kể.
EVN phục hồi tài chính: Chất xúc tác cho toàn ngành
Tình hình tài chính của EVN đang có chuyển biến tích cực và trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho toàn bộ ngành điện. Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, “năm nay, đầu vào rẻ và đầu ra tăng giá giúp EVN phục hồi tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường điện”. Việc phục hồi tài chính không chỉ giúp EVN giảm áp lực thanh toán, mà còn lan tỏa đến các doanh nghiệp liên quan.
Theo ông Hiếu, tại Đại hội cổ đông thường niên của PV GAS, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết có thể hoàn nhập một phần khoản dự phòng nhờ EVN thanh toán đúng hạn các khoản công nợ. Ông Hiếu cho rằng điều này phản ánh dòng tiền đang dần được khơi thông dọc theo chuỗi cung ứng điện, từ khâu khí đầu vào, phát điện, truyền tải cho tới các hoạt động tư vấn và xây lắp.
Tuy nhiên, vị này lưu ý rằng thị trường đang chờ đợi thêm các cơ chế cụ thể để xác lập một xu hướng tăng mới. Ông cũng cho rằng đây là giai đoạn phù hợp với chiến lược đầu tư chọn lọc các cổ phiếu có nền tảng hoạt động ổn định, không phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ hay thời tiết, có khả năng duy trì tăng trưởng bền vững khi dòng tiền quay lại. Trong bối cảnh đó, nhiều cổ phiếu ngành điện đang có xu hướng điều chỉnh kỹ thuật sau giai đoạn tăng mạnh theo kỳ vọng chính sách.