Tiền gửi khách hàng vẫn đóng vai trò quan trọng trước thời hạn CTCK phải tất toán hết

Nguồn tiền gửi khách hàng là nhà đầu tư giúp các công ty chứng khoán gia tăng năng lực thanh khoản. Chẳng hạn với TCBS, quy mô chương trình huy động vốn từ khách hàng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các CTCK phải tất toán toàn bộ giao dịch này, chậm nhất là ngày 30/6/2024.

Cuối năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản về việc chấn chỉnh hoạt động của công ty chứng khoán sau khi thanh kiểm tra. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh một số CTCK thỏa thuận cho phép khách hàng/nhà đầu tư được hưởng/hỗ trợ lãi suất trên số tiền chưa phát sinh giao dịch.

Theo cơ quan quản lý, hoạt động này có thể khiến khách hàng/nhà đầu tư hiểu rằng CTCK có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, một số CTCK thực hiện thỏa thuận/ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại (NHTM), trong hợp đồng mẫu có nội dung NHTM được quyền trích tiền từ tài khoản thanh toán của CTCK để thu hồi nợ trong trường hợp CTCK không trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho ngân hàng.

"Thỏa thuận này có thể gây hiểu nhầm việc trích tiền từ tài khoản thanh toán của CTCK, bao gồm tài khoản chuyên dụng của nhà đầu tư đứng tên CTCK mở tại ngân hàng", văn bản UBCK nêu.

Để giải quyết trình trạng trên, UBCKNN yêu cầu công ty chứng khoán phải dừng ngay việc thỏa thuận/ký mới và phải tất toán toàn bộ các giao dịch đã phát sinh liên quan đến hoạt động này, chậm nhất trước ngày 30/6/2024.

Sau thông báo trên, nhiều công ty chứng khoán đã dừng triển khai sản phẩm có hình thức huy động vốn của khách hàng, tuy vậy vẫn còn hình thức “biến tướng” dưới dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh/ủy thác.

Trở lại với vai trò của dòng tiền từ nhà đầu tư, khi thời điểm 30/6 sắp đến gần, đồng nghĩa các công ty chứng khoán sẽ phải đối mặt với áp lực nhiều hơn về thanh khoản. Để đáp ứng nhu cầu margin và ứng trước tiền mặt, nguồn vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đóng vai trò quan trọng với các đơn vị.

Nguồn tiền vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty chứng khoán bao gồm các khoản vay hợp vốn từ các tổ chức quốc tế, ngân hàng thương mại trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính. Nhưng trọng yếu vẫn là nguồn tiền từ khách hàng, chính là những nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán.

Vai trò của dòng vốn từ khách hàng được được thể hiện rõ sự quan trọng nếu nhìn từ Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) – một đơn vị đang mạnh tay giải ngân cho vay margin lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm công bố báo cáo tài chính (19/4/2024).

 Nguồn: BCTC quý I/2024 của TCBS.

Trong quý đầu năm, TCBS ghi nhận tăng khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 27.346 tỷ đồng và ghi nhận giảm gần 24.558 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn bằng đồng USD chiếm chưa tới 10% giao dịch ở cả hai chiều. Số tiền phát sinh tăng giảm vay ngắn hạn bằng VND là 8.622 tỷ đồng và 6.921,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, phát sinh tăng giảm từ chương trình Két vàng sinh lời iSave của đơn vị này trong quý đầu năm là 16.509 tỷ đồng và 16.904 tỷ đồng. Tổng dư nợ ghi nhận tại thời điểm 31/3/2024 là 4.020 tỷ đồng.

Nếu so với thời điểm cuối năm 2023, quy mô huy động vốn từ khách hàng của TCBS đã giảm khoảng 10%, từ mức 4.415 tỷ đồng. Thuyết minh trên báo cáo tài chính, công ty triển khai sản phẩm Két vàng sinh lời iSave từ ngày 24/5/2023, với số tiền phát sinh tăng/giảm trong năm 2023 là 99.475 tỷ đồng và 95.060 tỷ đồng.

Từ trường hợp của TCBS cho thấy được vai trò quan trọng của tiền gửi khách hàng đối với công ty chứng khoán. Khi mốc 30/6 được UBCKNN đưa ra đang cận kề, bài toán huy động vốn ngắn hạn từ công ty chứng khoán sẽ trở nên khó khăn hơn.

Khi dòng tiền từ khách hàng bị siết lại, nguồn vay ngoại tệ đối mặt rủi ro khi tỷ giá leo thang, các công ty chứng khoán buộc phải đẩy mạnh huy động vốn qua kênh ngân hàng, định chế tài chính trong nước. Bởi đây là lựa chọn khả thi nhất vì kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng được hầu hết các bên đề ra nhưng không phải thực hiện được trong sớm chiều.

CÙNG CHUYÊN MỤC