TP HCM: Sắp chi hàng nghìn tỷ giải tỏa dày đặc nhà cửa ven kênh Đôi qua quận 8

TP HCM sắp nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi qua quận 8 với tổng kinh phí 4.930 tỷ đồng; trong đó khoảng 3.583 tỷ đồng dành cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Kênh Đôi tại quận 8 hiện nay. (Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam).

Thu hồi 6,2 ha với 1.571 nhà đất  

Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị (UBND TP HCM) đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8. 

Theo đó, địa điểm thực hiện dự án tại phường 8, 9, 10, 11, 12, 14, quận 8, TP HCM. Điểm đầu từ Giao lộ đường Hoài Thanh giao với đường Hoàng Sỹ Khải; điểm cuối nằm tại cầu Chữ Y. Tổng chiều dài khoảng 4,3 km.

Giới hạn khu vực phía đông giáp cầu chữ Y; phía tây giáo đường Hoàng Sỹ Khải; phía nam giáp kênh Đôi; phía bắc giáp các khu dân cư của phường 8, 9, 10, 11, 12 và 14 của quận 8.

Mục tiêu dự án nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải tạo hệ thống thoát nước xây dựng cảnh quan đô thị văn minh hiện đại, hình thành và phát triển hạ tầng du lịch, phát triển giao thông đường thủy. 

 Vị trí thực hiện dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).

Khi dự án được xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng góp phần chỉnh trang đô thị, không chỉ cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở của nhân dân mà còn góp phần tăng diện tích mảng xanh và cây xanh, góp phần giảm ùn tắc giao thông phát triển hạ tầng giao thông khu vực, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Hiện trạng dọc hai bên bờ Kênh nhà dân xây dựng dày đặc chủ yếu là nhà tạm, nhà cấp 4, nhà sàn. Hiện trạng Kênh Đôi nhà ở xây dựng lấn chiếm dọc kênh, làm thu hẹp dòng chảy; tình trạng xả rác bừa bãi xuống lòng kênh cùng với xả nước thải sinh hoạt chưa qua hệ thống xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Đồng thời, việc ô nhiễm càng do nước thải công nghiệp chưa qua hệ thống xử lý do các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát sinh, nhất là các ngành chế biến lương thực, thực phẩm cũng góp phần làm gia tăng mức độ ô nhiễm.

Kênh Đôi nối từ ngã tư nơi giao với kênh Tàu Hủ, kênh Bến Nghé và kênh Tẻ đến ngã ba nơi giao với kênh Lò Gốm và sông Bến Lức, cùng với tuyến kênh Tẻ, Tàu Hũ - Bến Nghé là trục thoát nước trung tâm và tuyến giao thông thủy quan trọng kết nối các tỉnh miền Tây lên TP HCM.

Dọc kênh Đôi là hai tuyến đường là đường Nguyễn Duy, đường Hoài Thanh đây là tuyến trục cảnh quan của quận 8.

Về quy mô xây dựng dự án, tổng diện tích đất sẽ thu hồi cho dự án khoảng 6,2 ha. Tổng số trường hợp nhà, đất bị ảnh hưởng là 1.571 trường hợp (giảm 9 trường hợp so với số liệu cập nhật trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do hiện trạng là đất trống). Trong đó, có 1.005 trường hợp ảnh hưởng toàn bộ và 566 trường hợp ảnh hưởng một phần. 

 Một số hình ảnh hiện trạng dọc kênh hiện nay. (Ảnh chụp từ văn bản).

Đầu tư hơn 4.930 tỷ đồng, khởi công vào năm 2025

Hạng mục công trình và hoạt động của dự án bao gồm hoạt động phá dỡ mặt bằng phục vụ thi công dự án. Cùng với đó là hạng mục bao gồm hạng mục kè; hạng mục cầu; hạng mục hạ tầng kỹ thuật (đường, cống, cây xanh...) và hạng mục bến thủy.

Trong đó, hạng mục kè có tổng chiều dài dự kiến gần 4,3 km, bao gồm phía đường Hoài Thanh có chiều dài 771 m, điểm đầu tuyến kè tiếp giáp với kè thuộc dự án cầu Kênh Ngang 2, điểm cuối tuyến kè trên đường Hoài Thanh khớp nối vào kè thuộc cầu Kênh Ngang 1.

Phía đường Nguyễn Duy, Nguyễn Duy nối dài có chiều dài xây dựng kè là 3,5 km, điểm đầu tuyến kè tiếp giáp với kè thuộc dự án cầu Kênh Ngang 1 trên đường Nguyễn Duy, điểm cuối tuyến kè kết thúc tại cầu chữ Y thuộc phường 8, quận 8.

Trên dự án cũng xây dựng mới một cầu là cầu Hiệp Ân 2. Cùng với đó, xây dựng một bến thủy nội địa kết cấu sàn bến bê tông cốt thép trên hệ cọc (loại bến hành khách), vị trí xây dựng dọc kè bờ Bắc kênh Đôi tại chung cư Riverside Apartment nhằm phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường thủy của người dân, khách du lịch tham quan, giảm tải cho giao thông đường bộ.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.930 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị là 1.041 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 10 tỷ đồng; chi phí tư vấn gần 46 tỷ đồng; chi phí khác hơn 19 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 230 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 3.583 tỷ đồng.

Cụ thể nhu cầu bố trí vốn bao gồm năm 2024 là 76 tỷ đồng; năm 2025 là 3.917 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2028 là 937 tỷ đồng.

Về tiến độ, năm 2024 sẽ lập, thẩm định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, tiến hành công tác chuẩn bị bồi thường GPMB, lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công; năm 2025 thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khởi công dự án; năm 2026 và 2027 thi công công trình;  năm 2028 tiếp tục thi công hoàn thành công trình và quyết toán dự án.

Về công tác bồi thường, GPMB, quận 8 sẽ bàn giao mặt bằng để triển khai thi công trong tháng 4/2025.

Loạt kênh, rạch đã và sẽ thi công cải tạo tại TP HCM

Bên cạnh Dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8, TP HCM hiện nay cũng đang thi công xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chiều dài tuyến 31,46km, đi qua địa bàn 7 quận, huyện với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, với 10 gói thầu xây lắp. Theo đó, xây  dựng tuyến kè bờ kênh, với tổng chiều dài tuyến 63 km; nạo vét kênh, với chiều dài tuyến kênh 31,5 km.

Đường giao thông hai bên bờ kênh, với chiều dài tuyến 63,4 km; công trình trên tuyến như xây dựng cống thoát nước; xây dựng 12 bến thuyền dọc tuyến, tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. 

Cùng với đó, xây dựng ba cầu giao thông dọc tuyến; Xây dựng các nút giao thông dọc tuyến; Xây dựng hào kỹ thuật dọc tuyến. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước mưa; Hệ thống chiếu sáng; Xây dựng cải tạo cảnh quan dọc tuyến… Dự án dự kiến hoàn thành vào 30/4/2025.

 Một đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Bên cạnh đó, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, đoạn quận Gò Vấp, dự kiến sẽ được TP HCM khởi công vào tháng 8 năm nay.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được HĐND TP HCM phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022, có tổng chiều dài gần 9 km, tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật có chiều dài gần 7 km, ba tuyến nhánh (rạch Cầu Sơn, rạch Bình Lợi, rạch Bình Triệu) có chiều dài hơn 2,2 km.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.664 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 6.372 tỷ đồng, 2.710 tỷ đồng chi phí xây dựng, còn lại là chi phí khác. Nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố, thực hiện từ 2023 - 2028.

Dự kiến tháng 8/2024 khởi công xây dựng đoạn quận Gò Vấp; quận Bình Thạnh khởi công gói thầu xây lắp tháng 4/2025 và hoàn thành tháng 4/2028.