Tỷ giá và lãi suất sẽ có những biến động lớn hơn, khó đoán định hơn trong năm 2025
- 02/01/2025 09:39
- Diệp Bình
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, đã đưa ra những nhận định và dự báo về biến động tỷ giá, lãi suất và xu hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2025.
- PV: Trong năm 2024, tỷ giá trong nước đã có biến động tương đối mạnh với xu hướng chủ đạo là đồng USD lên giá so với VND, tuy nhiên mức mất giá của tiền đồng đã được thu hẹp vào cuối năm. Theo ông, đâu là yếu tố đã hỗ trợ VND trong thời gian qua?
Ông Đinh Đức Quang: Trong năm 2024, chúng tôi nhận thấy chính sách ưu tiên ổn định tỷ giá USD/VND qua đó tạo dựng niềm tin đến các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đảm bảo giá trị vốn đầu tư vào Việt Nam đã được Cơ quan quản lý thực hiện nhất quán và hiệu quả.
Trong hơn 11 tháng qua, đồng USD tiếp tục khẳng định giá trị vượt trội nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ đồng thời là mức lãi suất đồng USD tiếp tục neo ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.
Gần như toàn bộ các đồng tiền quan trọng nhất trong thương mại và đầu tư toàn cầu gánh chịu sức ép giảm giá từ 1 đến 10% so với USD, trong đó đồng Việt Nam giảm giá khoảng 4,5%, nằm ở mức trung bình. Đây là một thành công lớn trong công tác ổn định tỷ giá trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá lớn trên thị trường chứng khoán và chuyển vốn về nước.
Sự ổn định tỷ giá này được hỗ trợ mạnh mẽ nhất từ cán cân thương mại thặng dư lớn, dòng tiền giải ngân từ thu hút đầu tư FDI tiếp tục ổn định đi cùng nguồn cung từ kiều hối và du lịch.
Bên cạnh đó NHNN đã và đang sử dụng hài hòa các công cụ trên thị trường tiền tệ (phát hành tín phiếu, mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá, bán can thiệp…) nhằm điều tiết thanh khoản VND và nhu cầu ngoại tệ biến động trong từng thời kỳ.
- PV: Ông đánh giá ra sao về các động thái mà Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện để điều tiết thị trường tiền tệ trong năm qua? Liệu NHNN có nới lỏng chính sách tiền tệ?
Ông Đinh Đức Quang: Có thể nói kể từ lần cắt giảm các mức lãi suất chính sách vào tháng 6/2023, NHNN đã duy trì chính sách tiền tệ trung hòa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô chứ chưa sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng vốn có thể tạo ra áp lực lạm phát hoặc tăng trưởng tín dụng quá nóng gây tác dụng tiêu cực trong tương lai.
Chúng tôi cũng nhận thấy từ các cấp lãnh đạo cao nhất đã thống nhất triển khai đồng loạt nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mà không cần phải sử dụng đến việc nới lỏng tiền tệ.
Các giải pháp này có thể kể đến việc các cơ quan quản lý liên tục tập trung mở rộng quan hệ đối tác kinh tế, mở rộng thị trường thương mại toàn cầu, thực hiện giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, thúc đẩy đầu tư công tạo đầu tàu kinh tế, thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài về điểm đến đầu tư vào Việt Nam an toàn hiệu quả và gần đây nhất là cải cách thể chế theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước.
Tất cả các giải pháp này theo chúng tôi nhìn nhận là mang tính dài hạn tạo ra dòng vốn đầu tư thật, mới và mạnh mẽ hơn vào Việt Nam là cơ sở tiếp tục ổn định vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối từ đó ổn định được lãi suất và tỷ giá.
Với đánh giá như trên, chúng tôi dự báo Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa trong vài tháng đầu năm 2025.
- PV: Theo ông, thị trường tiền tệ Việt Nam năm 2025 sẽ phải chịu những cơn gió ngược nào? Đâu sẽ là yếu tố tạo áp lực điều hành lên Ngân hàng Nhà nước?
Ông Đinh Đức Quang: Nhìn sang năm 2025, chúng tôi nhận thấy rủi ro lớn nhất Việt Nam có thể gặp phải sẽ tiếp tục là sự biến động khó lường từ các diễn biến chính trị và kinh tế thế giới, trong đó trọng tâm có thể nằm ở các chính sách thương mại và can thiệp xung đột toàn cầu từ chính quyền mới tại Mỹ sẽ bắt đầu trong năm 2025.
Chúng ta cũng cần nhìn nhận là không chỉ Việt Nam sẽ có thể bị ảnh hưởng lớn từ những thau đổi toàn cầu này, mà hầu như toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển đều đang tìm mọi cách để vượt qua các khó khăn đó.
Chính quyền mới tại Mỹ, nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới với đồng USD là đồng tiền chính trong thương mại và đầu tư toàn cầu, đã phát tín hiệu mạnh mẽ với các biện pháp bảo hộ thương mại thông qua việc tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ, trục xuất lao động nhập cư bất hợp pháp, giảm thuế nội địa…và các biện pháp này nhìn chung có thể tạo áp lực lạm phát cao hơn tại Mỹ.
Từ đó, dường như chu kỳ cắt giảm lãi suất USD có thể sẽ chậm lại hơn những gì thị trường kỳ vọng và điều này có thể tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất tất cả các đồng tiền khác và cả tỷ giá USD so với các đồng tiền khác.
Các hành động sắp tới để giải quyết các bất ổn tại Ukraina, Trung Đông, các bên sẽ đồng ý đối thoại để chấm dứt xung đột để tập trung phát triển kinh tế, hợp tác hay xung đột có thể lan rộng thêm, trầm trọng thêm trong năm 2025 cũng sẽ là các yếu tố then chốt hỗ trợ các nhà đầu tư cởi mở hơn đến các thị trường đang phát triển hay phải tiếp tục co cụm nắm giữ các tài sản an toàn (như đồng USD và vàng).
- PV: Ông dự báo ra sao về mức biến động của tỷ giá trong năm 2025?
Ông Đinh Đức Quang: Trên cơ sở nhận định trên, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có những biến động tỷ giá và lãi suất lớn hơn, khó đoán định hơn.
Hiện nay, chúng tôi tiếp tục giữ nguyên dự báo về đợt cắt giảm lãi suất USD là 0,25% vào kỳ họp ngày 17 - 18/12/2024 và sau đó là các đợt cắt giảm tổng cộng 1% trong năm 2025 đưa lãi suất USD xuống quanh mức 3,5% vào cuối năm 2025.
Dự báo này là cơ sở thuận lợi cho NHNN tiếp tục ổn định lãi suất VND và tỷ giá USD/VND như hiện nay. Chúng tôi tạm thời tiếp tục đưa ra dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 25.400/26.200 (biến động trong biên độ 3%) trong năm 2025 cho đến khi chúng tôi có các cơ sở vững chắc hơn về các diễn biến toàn cầu trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!