VIX thế chân DNSE trong Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund

Tại thời điểm cuối tháng 4, nhóm 10 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của Pyn Elite bao gồm STB, MBB, ACV, MWG, HVN, CTG, VIB, VCI, OCB và VIX. So với tháng trước, VIX đã thay thế DNSE (DSE) trong Top 10.

Theo báo cáo hoạt động tháng 4, Pyn Elite Fund cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi trong nửa cuối tháng sau khi giảm mạnh đầu tháng do lo ngại về chính sách thuế. Động lực phục hồi đến từ thông tin hoãn áp thuế cũng như kết quả kinh doanh quý I khả quan của nhiều doanh nghiệp.

Kết thúc tháng 4, VN-Index giảm 6,2%, trong khi hiệu suất danh mục của quỹ chỉ giảm 4,5%, được hỗ trợ bởi mức tăng của các cổ phiếu HVN (+9,3%), STB (+2,1%) và MWG (+3,1%).

 Hiệu suất đầu tư 4 tháng đầu năm của Pyn Elite ghi nhận âm 6,84%. (Nguồn: Pyn Elite Fund).

Pyn Elite nhấn mạnh rằng 96% danh mục của quỹ tập trung vào các ngành phục vụ thị trường nội địa, nhờ đó ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các rủi ro thuế quan.

Nhà quản lý danh mục đánh giá đợt điều chỉnh vừa qua là cơ hội tốt để tích lũy thêm các cổ phiếu có nền tảng vững chắc với mức định giá hấp dẫn.

Quỹ ghi nhận phần lớn doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng lạc quan, cho thấy niềm tin vào sức chống chịu của kinh tế Việt Nam.

Tại thời điểm cuối tháng 4, nhóm 10 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của Pyn Elite bao gồm STB, MBB, ACV, MWG, HVN, CTG, VIB, VCI, OCB và VIX.

 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục tại cuối tháng 4. (Nguồn: Pyn Elite Fund).

So với tháng trước, Chứng khoán VIX đã thay thế DNSE (DSE) trong Top 10. Dù vậy, sự thay đổi này không đồng nghĩa chắc chắn rằng quỹ đã mua thêm cổ phiếu VIX hoặc bán ra DSE. Biến động có thể đến từ việc giá cổ phiếu VIX gần như đi ngang, còn DSE giảm 12% trong tháng 4.

Ngoài ra, báo cáo tháng đề cập việc quỹ đã tích luỹ cổ phiếu Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) trong nhịp điều chỉnh của thị trường.

SHS được biết đến là công ty có chiến lược tự doanh tập trung vào cổ phiếu. Về mặt định giá, cổ phiếu SHS hiện đang giao dịch ở mức P/B 0,9 lần, theo Pyn Elite là thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành (khoảng 1,8 lần).

Triển vọng kinh tế tích cực

Về yếu tố kinh tế vĩ mô, nhà quản lý quỹ đánh giá bối cảnh đang tiến triển tích cực, khi Việt Nam Việt Nam chính thức bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ từ 7/5.

Nền kinh tế tiếp tục thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ với doanh thu bán lẻ tăng 11,1% so với cùng kỳ, xuất khẩu tăng 20%, và sản xuất công nghiệp tăng 8,9%. Vốn FDI giải ngân cũng tăng 7,9% nhờ sự cam kết lâu dài của các nhà sản xuất điện tử toàn cầu.

Dù Ngân hàng Thế giới vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 xuống còn 5,8% do ảnh hưởng của thuế quan, Chính phủ vẫn giữ vững mục tiêu tăng trưởng 8%.

Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công, nhiều chính sách hỗ trợ cũng đã được công bố như đề xuất gia hạn giảm thuế VAT đến năm 2026. Ngoài ra, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, với các cải cách, ưu đãi và cắt giảm thuế, nhằm thúc đẩy khu vực này tăng trưởng 10–12% mỗi năm đến năm 2030.

Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch KRX đã được vận hành thành công vào ngày 5/5 – đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. Hệ thống này mở đường cho các tính năng mới như thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) và giao dịch trong ngày (T+0).

CÙNG CHUYÊN MỤC