Xem xét hai phương án đầu tư mở rộng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đã gửi văn bản đề xuất hai phương án cho Bộ Xây dựng về việc lập dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Một đoạn cao tốc hà Nội - Thái Nguyên. (Ảnh: VietnamFinance).

Theo Báo Chính phủ, CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) vừa qua đã gửi văn bản đề xuất gửi Bộ Xây dựng về việc lập dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo Phương Thành Tranconsin, hiện nay, đường kết nối sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thủ đô Hà Nội đang được UBND TP Hà Nội báo cáo Chính phủ đầu tư xây dựng, trong đó có đoạn tuyến đi trùng đoạn Hà Nội - Thái Nguyên dài khoảng 8 km (từ nút Ninh Hiệp đến nút giao Vành đai III).

Trên cơ sở đó, hai phương án đầu tư mở rộng cao tốc đoạn tuyến Hà Nội - Thái Nguyên được doanh nghiệp này nghiên cứu đề xuất:

Phương án 1, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên từ nút giao Vành đai III đến nút giao Tân Lập đầu tư mở rộng lên quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh với tổng chiều dài khoảng gần 64 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.790 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay).

Với phương án này, nhà nước không phải hỗ trợ vốn, nhà đầu tư sẽ tự huy động vốn để thực hiện và cam kết hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án trước 31/8/2025. Nếu được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án, nhà đầu tư cam kết thi công hoàn thành trong năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Phương án 2 được Phương Thành Tranconsin đưa ra là hiện nay, tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn đang được đầu tư xây dựng với vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Bảo đảm tính đồng bộ cho tuyến cao tốc đoạn Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn từ nút giao Vành đai III đến nút giao Tân Lập được đề xuất đầu tư lên quy mô 6 làn xe.

Đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được đề xuất lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Tổng chiều dài tuyến đầu tư khoảng hơn 100 km. 

Sơ bộ tổng mức đầu tư (đã bao gồm lãi vay) khoảng gần 16.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên là 6.790 tỷ đồng, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới là hơn 10.000 tỷ đồng.

Theo doanh nghiệp đề xuất dự án, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được thi công từ năm 2014, đưa vào khai thác năm 2017 với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m, vận tốc khai thác từ 60 - 80 km/h.

Các nút giao trên tuyến là giao cùng mức, cho phép toàn bộ các phương tiện lưu thông. Công tác tổ chức giao thông trên tuyến như đường quốc lộ thông thường, nhà dân kết nối trực tiếp với đường. Đoạn tuyến này lại đang được đầu tư bằng hình thức BOT. Do phương án tài chính không được như kỳ vọng nên nhà đầu tư đang đề xuất nhà nước mua lại dự án.

Bảo đảm tính khả thi của phương án 2, Công ty Phương Thành đề xuất chia dự án thành 2 giai đoạn triển khai.

Cụ thể, giai đoạn 1, đầu tư mở rộng đoạn Hà Nội - Thái Nguyên từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao Tân Lập lên quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, thi công năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Giai đoạn 2, đầu tư mở rộng đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, thi công hoàn thành năm 2028 và đưa vào khai thác từ năm 2029.

Đáp ứng nguồn lực triển khai phương án trên, nhà đầu tư đề xuất nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước khoảng hơn 5.360 tỷ đồng (chiếm hơn 33% tổng mức đầu tư dự án).

Trong đó, giai đoạn 1 đề xuất hỗ trợ gần 600 tỷ đồng chi phí GPMB (chiếm khoảng gần 9% tổng mức đầu tư); giai đoạn 2 đề xuất hỗ trợ chi phí GPMB và chi phí xây dựng khoảng 4.780 tỷ đồng (chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư).

Theo Phương Thành, ưu điểm của phương án này là nhà nước chỉ cần bỏ ra hơn 5.360 tỷ đồng (khoảng 54% nếu thực hiện bằng đầu tư công) đã có được hơn 100km đường cao tốc quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh. Nguồn vốn còn lại, nhà nước có thể tập trung đầu tư các công trình thiết yếu, dự án quan trọng quốc gia.

Phương Thành Tranconsin đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lập đề xuất dự án đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh theo phương thức PPP.

Được biết, tại văn bản đề xuất ngày 10/3 báo cáo Chính phủ và Bộ xây dựng, CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, tuyến cao tốc CT 07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên bao gồm 2 phân đoạn:

Đoạn 1 từ nút giao Ninh Hiệp (giao với QL1A mới về phía Bắc cầu Phù Đổng) đến nút giao Tân Lập được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chỉnh phủ Việt Nam.

Đoạn 2 từ nút giao Tân Lập đến nút giao Tân Long được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ; dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng năm 2014.

Tuyến cao tốc có tổng chiều dài gần 71 km, đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Quy mô đoạn Hà Nội (Km0+00) - Sóc Sơn (Km25+680) là đường cao tốc loại A, 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100km/h.

Đoạn Sóc Sơn (Km25+680) - Thái Nguyên (Km61+250) quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80km/h, mặt cắt ngang 2 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, điều chỉnh vị trí vạch sơn thành 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường ô tô với 2 làn dừng khẩn cấp.

Đoạn Km61+250 - Km62+410 quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80km/h.

Đoạn Tân Lập (Km62+410) - Tân Long (Km70+600) quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100km/h.

Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc CT.07 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng có quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh. Trong đó, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên quy mô 6 làn xe và thời gian đầu tư trước năm 2030.

Như vậy, hiện tại tuyến cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên chưa đủ quy mô theo quy hoạch. Riêng đoạn Sóc Sơn (Km25+680) - Thái Nguyên (Km61+250) chưa đạt quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.

Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.