Chứng khoán BSC (BSI) báo lãi quý I/2023 tăng 27%, cho vay margin gần 3.390 tỷ đồng

Sau khi trừ đi các chi phí, Chứng khoán BSC ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 121,5 tỷ đồng và 97,7 tỷ đồng, tăng tương ứng 27% và 17,3% so với quý I/2022.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã: BSI) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với doanh thu hoạt động giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022, xuống 287,2 tỷ đồng.

Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng trưởng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 124,6 tỷ đồng, đóng góp hơn 43% nguồn thu trong quý đầu năm cho BSC. Cùng với đó, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng 19,4%, đạt 12,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm 54,3%, xuống còn 53,4 tỷ đồng, đóng góp hơn 18% cơ cấu doanh thu.

(Nguồn: Diệu Nhi tổng hợp từ BCTC của BSC).

Cùng chiều doanh thu, tổng chi phí hoạt động giảm 26,6% trong kỳ, xuống 110,4 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 17,7% lên 51,3 tỷ đồng.

Kết quả sau khi trừ đi các chi phí, Chứng khoán BSC ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 121,5 tỷ đồng và 97,7 tỷ đồng, tăng tương ứng 27% và 17,3% so với quý I/2022.

Tổng giá trị tài sản tại thời điểm 31/3/2023 là 6.467 tỷ đồng, tăng 15,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó riêng các khoản cho vay ký quỹ đã tăng thêm 695 tỷ đồng (tăng tưởng gần 26%), từ 2.695 tỷ đồng lên mức gần 3.390 tỷ đồng.

Danh mục tự doanh của BSC cuối quý I có giá trị hợp lý lên tới 1.773 tỷ đồng, tăng khoảng 323 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó phần lớn là trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi.

Cổ phiếu chưa niêm yết PHVU của CTCP Đầu tư Phan Vũ đang cho hiệu quả đầu tư cao nhất danh mục, hiện giá trị hợp lý là 82,3 tỷ đồng trong khi giá gốc ban đầu là 58 tỷ đồng (lãi gần 42%). Các mã cổ phiếu niêm yết khác đang có mức lãi nhẹ như STB, IDC,…

(Nguồn: BCTC của BSC).

CÙNG CHUYÊN MỤC