Chứng khoán HSC: Thận trọng trong mảng tự doanh, đã bán hết khoản đầu tư lớn vào FPT và MWG nên tránh được rủi ro vừa qua

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn, đặc biệt là khả năng Mỹ áp thuế trở lại với hàng hóa Trung Quốc và Việt Nam, lãnh đạo HSC đã chia sẻ quan điểm thận trọng về triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán trong năm 2025.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 22/4, lãnh đạo Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC – Mã: HCM) nhấn mạnh việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, củng cố năng lực tài chính và quản trị rủi ro, đồng thời kỳ vọng vào cơ hội từ các thay đổi hạ tầng giao dịch và khả năng nâng hạng thị trường.

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc HSC, bày tỏ quan điểm thận trọng trước khả năng Mỹ áp thuế đối ứng, điều có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm nay có thể giảm khoảng 2 điểm phần trăm, xuống mức 5-6%, và thị trường chứng khoán Việt Nam có thể trải qua giai đoạn biến động mạnh, thậm chí VN-Index có thể rơi xuống dưới mốc 1.000 điểm trước khi hồi phục.

Trong bối cảnh này, HSC đã chủ động chuẩn bị cho các tình huống rủi ro. Riêng với mảng cho vay ký quỹ, công ty hiện đã sử dụng gần hết hạn mức tối đa và đang trong quá trình tăng vốn để mở rộng khả năng cho vay, lên đến 28.000 tỷ đồng vào cuối năm. Hệ thống quản trị rủi ro cũng đã được hoàn thiện, giúp HSC kiểm soát tốt danh mục cho vay trong đợt biến động đầu tháng 4.

Với mảng tự doanh, HSC duy trì chiến lược thận trọng, đầu tư vào trái phiếu chất lượng cao và chia nhỏ danh mục cổ phiếu. Công ty đã bán hết cổ phiếu FPT và MWG từ đầu năm, giúp tránh được rủi ro trong đợt điều chỉnh thị trường vừa qua.

Về cơ hội, HSC kỳ vọng hệ thống giao dịch mới sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh nhờ khả năng triển khai các dịch vụ mới như giao dịch trong ngày và vay mượn chứng khoán. Đồng thời, công ty cũng đặt kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng vào tháng 9 tới, tạo động lực mới cho thị trường.

Lãnh đạo HSC nhấn mạnh chiến lược trọng tâm là giữ vững nền tảng tài chính, củng cố năng lực vận hành, và linh hoạt ứng phó trong môi trường nhiều bất định.

 (Ảnh: X.N).

THẢO LUẬN

- Ban lãnh đạo đánh giá nền kinh tế, thị trường chứng khoán và HSC sẽ ảnh hưởng như thế nào khi Mỹ áp thuế đối ứng? Công ty có kế hoạch ứng phó ra sao?

Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang: Thuế đối ứng là vấn đề lớn, chắc chắn ảnh hưởng đến Việt Nam. Nước ta có lượng thặng dư thương mại lớn, nằm trong Top 3. Việt Nam cũng thuộc nhóm đầu (Top 6-7) về doanh số xuất khẩu vào Mỹ.

Về ảnh hưởng, HSC dự báo tốc độ tăng GDP năm này giảm 2 điểm phần trăm so với kế hoạch, tức tăng trưởng khoảng 5-6%. Tăng trưởng có quay lại từ 2027.

Yếu tố bất định vẫn lớn. Một khi dòng chảy thương mại thay đổi sẽ tác động đến dòng chảy sản xuất và đầu tư tài chính. HSC kỳ vọng Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất mới. Tuy nhiên, hiện thách thức đang nhiều hơn.

Khi tham quan một số doanh nghiệp, HSC nhận thấy họ cũng đang giữ tâm thế thận trọng, chờ đợi. Kỳ vọng Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ tài khoá với những ngành bị ảnh hướng.

Với ngành chứng khoán và HSC, chúng tôi cho rằng cần phải đối phó với những bất ổn lớn hơn nữa. Một vấn đề tôi quan tâm là thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn ổn định. Từ đó, tôi kỳ vọng USD vẫn mạnh.

TTCK Việt Nam có sự tương quan nhất định với TTCK Mỹ. TTCK Mỹ có thể giảm và hồi phục. Đối với Việt Nam, chúng ta cần thận trọng tình huống VN-Index có thể xuống dưới 1.000 điểm trước khi hồi phục trở lại.

Về các ngành, HSC dự báo có những nhóm bị ảnh hưởng, hầu hết là ảnh hưởng kế hoạch 2025, nhưng cũng có trường hợp hưởng lợi. Nguyên do là lâu dài Việt Nam có thể trở thành tủng tâm sản xuất lớn của thế giới. HSC cũng đã sẵn sàng trước những biến động mới.

Chủ tịch HĐQT Johan Nyvene: Tổng Giám đốc Giang thường thận trọng hơn cần thiết. Tuy rủi ro nhưng việc Mỹ áp thuế cũng có những nét tích cực. Kinh tế và TTCK Việt Nam cũng sẽ có những yếu tố sáng, nếu không lệ thuộc hoàn toàn vào kinh tế, thị trường Mỹ.

Một nhận định mới đây cho thấy thị trường Trung Quốc đã về đáy. Sau thông tin Mỹ đưa ra, thị trường Trung Quốc không quá biến động, tương đối vững vàng, khi các nhà đầu tư đánh giá lại thị trường này.

Nền kinh tế Việt Nam có sự ảnh hưởng sâu rộng từ kinh tế Trung Quốc. Từ đó, có thể hy vọng sau khi VN-Index giảm về 1.200 điểm vừa rồi, sắp tới vẫn có những “chao đảo” (rung lắc), nhưng HSC vẫn kỳ vọng tương lai tốt đẹp hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Bằng chứng là phiên 22/4 có lúc giảm sâu nhưng cuối phiên đà hồi đáng kể. Cổ phiếu HCM giảm sàn nhưng cuối phiên đã tăng lại.

 (Ảnh: X.N).

- Tình hình dư nợ margin của công ty như thế nào?

Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang: Đến cuối quý I, dư nợ ký quý (margin) đạt 20.000 tỷ đồng, cận mốc 2 lần trên vốn chủ sở hữu. Đầu tháng 4 có giảm đôi chút nhưng hiện đã quay lại mức này, tức đã sử dụng gần tối đa. HSC đang thực hiện thủ tục tăng vốn. Kỳ vọng khi tăng vốn thì có thể cho vay đến 28.000 tỷ đồng đến cuối năm.

Trước giờ HSC chỉ cho vay cổ phiếu thanh khoản cao, cơ bản tốt.

Cú sập tháng 4 cũng coi như là phép thử đối với mảng cho vay ký quỹ. Công ty đã hoàn tất hệ thống quản trị cho vay, yêu cầu khách hàng tăng cường tỷ lệ ký quỹ để hấp thụ cú sập thị trường. Ngay khi vừa làm xong thì thị trường lao dốc, có phần may mắn.

Với danh mục tự doanh thì chia ra làm hai phần là tự doanh cổ phiếu và trái phiếu. Trái phiếu chất lượng cao từ các ngân hàng. HSC mới tăng quy mô từ 5.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng.

Với cổ phiếu thì một phần để kinh doanh CW không ảnh hưởng. Phần tự doanh tạo lập thị trường cho ETF (quỹ hoán đổi chỉ số) thì có thiệt hại nhưng không lớn. Vị thế thuần gần như bằng 0. HSC đang đứng ngoài thị trường để theo dõi tình hình.

Các hệ thống đầu tư trên thế giới được dùng theo hệ thống cũ trong 70 năm nay, nhưng Mỹ có tổng thống mới (Donald Trump) làm thay đổi rất nhiều. Do đó, HSC phải đánh giá lại.

- Chia sẻ thêm về tình hình kinh doanh quý I?

Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang: Kết quả quý I giảm so với cùng kỳ là bước chuẩn bị của HSC trước biến động lớn. Trong tháng 3, chúng tôi đã chuẩn bị một số bước quan trọng, bao gồm rà soát tự doanh, kiểm soát ký quỹ.

Trùng hợp là trước thời điểm thị trường biến động. Chúng tôi đã chạm tỷ lệ cho vay (2 lần vốn chủ) nên đã chủ động giảm các khoản cho vay. Sự kiện đầu tháng 4 vẫn là bất ngờ. Do đó, trong đợt biến động tháng 4 rồi, chúng tôi không có thiệt hại về cho vay.

Hai khoản đầu tư lớn là FPT và MWG thì HSC đã bán hết vào đầu tháng Giêng nên tự doanh không bị ảnh hưởng nhiều.

HSC đã chuẩn bị tốt về mặt nguồn lực. Nếu quý I/2024 mảng tự doanh tốt, thì năm nay tốt ở cho vay. Tự doanh cổ phiếu năm nay chỉ lãi khoảng 20 tỷ đồng. Còn lại là 5.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 5 - 6%/năm, rủi ro thấp, nên tự doanh cũng thu được khoảng 100 tỷ đồng.

 (Nguồn: HSC).

- Xin ban lãnh đạo cập nhật tình hình tăng vốn?

Ông Johan Nyvene - Chủ tịch HĐQT: Hồ sơ tăng vốn lần này có một điểm khác biệt so với hai lần gần nhất là không có nhiều câu hỏi hoặc phản hồi từ phía UBCKNN. Công ty không phải quay lại hỏi ý kiến từ cổ đông Nhà nước. Lần này, HSC chỉ phải qua 1 - 2 trao đổi với cổ đông Nhà nước và UBCKNN. Tín hiệu đang tích cực, song vẫn phải thực hiện theo quy trình.

HSC kỳ vọng tới tháng 9 sẽ hoàn tất góp vốn, dòng vốn chảy về công ty.

- Quỹ KIM (Hàn Quốc) giảm tỷ lệ sở hữu dưới 5%. Ban lãnh đạo nêu đánh giá về động thái này?

Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang: KIM là cổ đông lớn thứ hai sau Dragon Capital tại HCM. Bây giờ họ đang bán ra. Chúng tôi không thể nói thay cho họ. Nhưng gần đây các nhà đầu tư Hàn Quốc đang bán ở thị trường Việt Nam, như gần đây SK (bán cổ phần Vingroup). Tôi nghĩ KIM cũng không khác.

Khi trao đổi với chúng tôi thì họ vẫn nhiệt tình và ủng hộ công ty.

- Chia sẻ về kế hoạch và lộ trình thoái vốn của HFIC tại HCM?

Ông Johan Nyvene - Chủ tịch HĐQT: Chúng tôi không dám nói thay cho HFIC. Theo nhưng trao đổi của HSC với HFIC thì trách nhiệm của HFIC còn rất nhiều trọng trách được giao, họ vẫn còn duy trì sự tích cực với hoạt động của HSC nhưng với bối cảnh sắp tới của TP HCM với nhiều dự án mới thì HFIC sẽ phải làm nhiều dự án lớn hơn nên không nhất thiết phải theo đuổi đầu tư vào HSC.

Khi HSC trở thành công ty quy mô lớn hơn nhiều thì các cổ đông sẽ không đầu tư vào với tỷ lệ lớn lâu dài. Có thể, HFIC sẽ không đầu tư vào HSC trong các đợt tăng vốn trong tương lai.

 Ban chủ toạ đại hội HSC. (Ảnh: X.N).

- Khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng năm nay như thế nào và HSC có chuẩn bị gì?

Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang: Việt Nam đang nằm trong danh sách nâng hạng của FTSE. Một trong những vấn đề là Non Pre-Funding đã được tháo gỡ. Sắp tới hệ thống công nghệ mới dự kiến vận hành, có thể là một điểm cộng.

Kỳ vọng FTSE sẽ nâng hạng vào tháng 9, nếu không thì phải chờ qua 2026. Các cơ quan quản lý thị trường đang quyết tâm nâng hạng trong năm nay. Tất nhiên quyền quyết định thuộc về FTSE.

- Khi hệ thống công nghệ mới (KRX) vận hành, HSC có lợi thế cạnh tranh như thế nào?

Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang: Hệ thống mua từ Hàn Quốc sẽ được đưa vào cuối tháng 4 – đầu tháng 5 tới, sẽ thay đổi hoàn toàn về thanh toán. Hệ thống mới sẽ giúp HSC làm nhiều dịch vụ khác nhau, đặc biệt là dịch vụ bù trừ.

Hệ thống giúp cho phép giao dịch mua bán trong ngày, vay mượn chứng khoán… trong tương lai. Hệ thống áp dụng cho tất cả thành viên. Lợi thế là HSC hiểu rõ hệ thống và đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các khâu cho sự chuyển đổi.

- HĐQT có quan tâm giá cổ phiếu không? Vì sao HCM giảm khoảng 30%?

Phó Chủ tịch HĐQT Lê Anh Minh: Chúng tôi quan tâm tới giá cổ phiếu nhưng không có nghĩa là chúng tôi sẽ làm giá cổ phiếu hay có động thái nào. Việc quan tâm là để đảm bảo tính minh bạch, thực hiện các kế hoạch kinh doanh và truyền thông tới cổ đông để hiểu rõ về giá trị công ty.

 (Ảnh: X.N).

Chủ tịch Chủ tịch Johan Nyvene: Cổ đông nói giảm là đang so với đỉnh gần đây. Giá trị sổ sách hiện khoảng hơn 14.000 đồng/cp. Nếu giá trị sổ sách (P/B) bằng 2 lần thì tôi cho thường là mức định giá cao.

Giá cổ phiếu lên mức 32.000 đồng/cp, tương ứng P/B 2,4 – 2,5 lần là mức cao. Khi đó sẽ có cổ đông chốt lời, và khi có cơ hội họ sẽ mua vào. Khi giá HCM về 23.000 – 24.000 đồng/cp thì bắt đầu có nhiều giao dịch, thanh khoản lại tốt trở lại.

Tất nhiên cổ phiếu cũng ảnh hưởng về những thông tin trên thị trường. Song không chỉ HCM, nhiều cổ phiếu khác cũng bị xuống giá.

Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang: Giá HCM (điều chỉnh) hiện đang xấp xỉ đầu năm, VN-Index cũng vậy. Nếu loại trừ các mã có tăng giá đột biến thời gian qua, VN-Index có thể thấp hơn nữa, ở mức rớt 12-15%. Do đó, tôi cho rằng HCM đang biến động giá tốt hơn so với thị trường chung.

Việc giảm giá HCM gần đây tôi thấy phần nhiều do cổ đông ngoại bán ra. Không phải do công ty có vấn đề, mà họ bán ròng trên toàn thị trường.

Với góc nhìn là một cổ đông, tôi đang đợi để mua thêm. Hiện tại hoạt động của HSC đang vững chắc, công ty đã hoạt động tốt trong điều kiện đầy biến động bất thường gần một tháng qua.

Tháng 4 là tháng tệ nhất trong khoảng 70 năm trở lại, đối với chỉ số đại diện thị trường chứng khoán Mỹ. HSC vẫn bình tĩnh theo dõi. Bây giờ không phải là thời điểm canh "bắt đáy" mà làm sao để hỗ trợ và mang giá trị cho khách hàng nhiều nhất.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế trên 1.600 tỷ đồng

Năm 2024, HSC ghi nhận 3.311 tỷ đồng doanh thu và 1.296 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 54% so với năm 2023. Dù chỉ đạt 89% kế hoạch lợi nhuận năm, công ty vẫn đánh giá đây là kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.

Lợi nhuận sau thuế năm 2025 được đặt mục tiêu 1.282 tỷ đồng, tăng 23%. Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang cho biết động lực tăng trưởng tiếp tục đến từ mảng cho vay ký quỹ, với doanh thu kỳ vọng 2.368 tỷ đồng, tăng 38%. Đây là trụ cột chính, phản ánh nhu cầu vốn của nhà đầu tư tăng cao và chiến lược mở rộng danh mục cho vay của công ty.

Hoạt động tự doanh dự kiến mang về 983 tỷ đồng doanh thu, tăng 47% nhờ điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp biến động thị trường. Mảng môi giới đóng góp 908 tỷ đồng, tăng 7%.

 

 (Nguồn: HSC).

Tổng tài sản cuối năm 2025 dự kiến vượt 39.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ các khoản cho vay ký quỹ, tài sản tài chính và tiền gửi thanh toán.

Về cổ tức, năm 2024, công ty chi trả bằng tiền với tổng tỷ lệ 11,78% mệnh giá, tương ứng 1.178 đồng/cổ phiếu. Đợt tạm ứng đầu tiên 5% (360 tỷ đồng) đã thực hiện trong tháng 2; đợt tiếp theo dự kiến ngày 6/6 với tỷ lệ 4% (288 tỷ đồng), ngày đăng ký cuối cùng là 14/5.

Đối với năm 2025, HĐQT đề xuất cổ đông ủy quyền quyết định tỷ lệ chia cổ tức, không vượt quá 80% lợi nhuận sau thuế, trong đó dự kiến chia bằng tiền mặt 7%.

Về huy động vốn, HSC đã hoàn tất các đợt phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết ngày 8/8/2022, nâng vốn điều lệ từ 4.580 tỷ đồng lên hơn 7.208 tỷ đồng. Hiện công ty đang triển khai phát hành cho cổ đông hiện hữu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 4/12/2024, nhằm củng cố năng lực tài chính và mở rộng các mảng chiến lược như cho vay ký quỹ và tự doanh.

HSC cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên phân bổ vốn cho các hoạt động tạo lập thị trường, phòng ngừa rủi ro và đầu tư công nghệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, trong bối cảnh thị trường chứng khoán được kỳ vọng sôi động hơn trong năm tới.

Kết thúc cuộc họp, đại hội đồng cổ đông thông qua tất cả tờ trình.

CÙNG CHUYÊN MỤC