Cổ phiếu bất động sản công nghiệp dậy sóng trước lúc công bố kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 06/11/2024 16:06
- Xuân Nghĩa
Cổ phiếu ngành bất động sản công nghiệp đã tăng ngay từ đầu phiên 6/11. Đà tăng được nới rộng dần cho đến phiên chiều. Kết phiên, VGC, SZC, SIP, KBC cùng tăng trần (7%), TIP tăng 6%, LHG và GVR tăng 5%, IDC tăng 4,5%...
Thanh khoản giao dịch cao đột biến, cũng tập trung nhất vào các đại diện nêu trên. Trong đó, khối lượng giao dịch KBC vượt 20 triệu, gấp hơn 7 lần phiên trước; khối lượng giao dịch SZC hơn 9 triệu, gấp 9 lần phiên trước... VGC, SIP, GVR, IDC cũng khớp lệnh hàng triệu đơn vị.
Đà tăng của nhóm khu công nghiệp diễn ra trong một ngày giao dịch đầy sắc xanh của thị trường. VN-Index kết phiên tăng 15,5 điểm, tương đương 1,25%, lên 1.261,3 điểm. Thị trường giao dịch trong tâm lý lạc quan. Trên HOSE, 312 mã tăng, so với chỉ 61 mã giảm và 56 mã đi ngang.
Chiều ngày 6/11 theo giờ Việt Nam cũng là thời điểm kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ngã ngũ. Đây là sự kiện được giới phân tích đánh giá tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cập nhật đến 14h14 ngày 6/11 theo giờ Việt Nam, ông Donald Trump được CNN dự báo sẽ thắng bang chiến địa quan trọng nhất cuộc bầu cử năm nay là Pennsylvania. Nhờ chiến thắng này, ứng viên Đảng Cộng hoà sẽ có tổng cộng 266 phiếu bầu đại cử tri, cách không xa cột mốc 270 phiếu cần thiết.
Theo báo cáo mới đây của Agriseco, nếu ông Trump lên nắm quyền sẽ tác động tích cực đến ngành khu công nghiệp. Nguyên do là hưởng lợi từ xu hướng FDI rời khoi Trung Quốc tiếp tục mạnh lên.
Ngoài ra, bộ phận phân tích cũng đánh giá tích cực với các nhóm ngành như dệt may và gỗ. Ngược lại, ngành thép và năng lượng tái tạo có thể gặp khó khăn. Các nhóm thủy sản, chất dẻo được đánh giá trung lập từ diễn biến này.
Theo Agriseco, nhiều sự thay đổi trong đó có tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu hút FDI về Mỹ và tổng thống có thể can thiệp vào chính sách tiền tệ của Fed sẽ tác động tới các ngành nghề và lĩnh vực tương ứng của Việt Nam: xuất nhập khẩu, FDI, tỷ giá...
Về xuất khẩu, Việt Nam chịu ảnh hưởng hai mặt từ chính sách của ông Trump. Thứ nhất là chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10-20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ.
Ngoài ra, các cuộc điều tra nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ diễn ra nhiều hơn làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ hai, là khoảng trống do các hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần.
Về dòng vốn đầu tư, chính sách áp thuế nhắm đến hàng hóa Trung Quốc có thể khiến làn sóng FDI rời khỏi nước này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trên.
Về các vấn đề kinh tế khác, chính sách của ông Donald Trump được đánh giá sẽ làm Mỹ tăng lạm phát trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD và nhiều hạng mục kinh tế khác trong đó bao gồm lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ thay đổi.