ĐHĐCĐ Saigonbank: Mục tiêu lợi nhuận tăng gấp ba lần năm trước, tăng vốn lên hơn 3.700 tỷ
- Tín dụng & Lãi suất
- 24/04/2025 16:03
- Vân Anh

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Mã: SGB) tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng nay (ngày 24/4) tại TP HCM. Đại hội có 541 cổ đông dự họp, đại diện sở hữu 313,48 triệu cp, tương đương 92,53% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đặt mục tiêu 300 tỷ lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng 10% trong 2025
Dự báo cho năm 2025, kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, trong khi áp lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu ngày càng gia tăng. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục leo thang, với hàng rào thuế quan và biện pháp bảo hộ được siết chặt.
Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng năm 2025 đặt trọng tâm điều hành tín dụng bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế. Đồng thời, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và tiếp tục cải tiến công tác điều hành tín dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Ông Vũ Quang Lãm - Chủ tịch HĐQT Saigonbank.(Ảnh:Vân Anh).
Năm 2025, Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với mức thực hiện năm 2024 (đạt 99,34 tỷ đồng).Tổng tài sản dự kiến đạt 34.900 tỷ đồng, tăng 5%, trong đó tổng dư nợ cho vay mục tiêu 24.700 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2024. Vốn huy động đạt 30.100 tỷ đồng, tăng 5%. Ngoài ra, ngân hàng dự kiến thực hiện thanh toán đối ngoại khoảng 300 triệu USD và lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng.
Định hướng của ngân hàng tập trung vào tăng trưởng tín dụng an toàn, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chuyển đổi xanh và kinh tế số. Saigonbank cũng đẩy mạnh chuyển đổi số bằng cách hợp tác với Fintech, phát triển hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia để nâng cao hiệu quả thẩm định.
Bên cạnh đó, ngân hàng cam kết kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, xử lý nợ tồn đọng và tuân thủ lộ trình Basel III. Các giải pháp quản trị rủi ro, tối ưu hóa nhân sự và truyền thông thương hiệu cũng được chú trọng để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Kế hoạch này phù hợp với mục tiêu quốc gia khi Quốc hội kỳ vọng tăng trưởng GDP 8% và kiểm soát lạm phát ở mức 4,5-5% trong năm 2025. Saigonbank khẳng định sự đồng hành cùng NHNN và Chính phủ trong việc thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hiện thực hóa các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tăng vốn điều lệ lên hơn 3.700 tỷ
Về phương án phân phối lợi nhuận, lợi nhuận ngân hàng năm 2024 còn lại sau khi trích lập các quỹ pháp định là hơn 63 tỷ đồng; lợi nhuận năm 2024 dự kiến dùng để phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu là hơn 24,2 tỷ đồng.
Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành gần 33,88 triệu cp với tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 100 sp sẽ nhận 10 cp mới) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tổng giá trị phát hành là gần 339 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện trong năm 2025, sau khi xin ý kiến ĐHĐCĐ và hoàn tất các thủ tục theo luật định. Nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 3.388 tỷ đồng lên 3.727 tỷ đồng.

Phiên thảo luận
Cổ đông Tổng công ty Thương Mại Sài Gòn: Qua rà soát nhận thấy điều lệ SGB có các quy định về ban kiểm soát với nội dung chưa cập nhập so với các quy định pháp luật mới. Do đó đề nghị SGB cân nhắc sửa đổi điều lệ cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và trình ĐHCĐ thông qua.
Chủ tịch Vũ Quang Lãm: Báo cáo đại hội, HĐQT chúng tôi đã nhận thức và thấy rõ điều lệ SGB từ năm 2027. Chúng tôi đã quyết liệt và sửa đổi, dự thảo đến lần thứ 5. Quý vị cũng biết, trong quá trình dự thảo sửa đổi điều lệ SGB thì luật của chúng ta cũng có thay đổi, luật các tổ chức tín dụng cũng có thay đổi, luật kinh doanh cũng có thay đổi. Do đó, lần cuối cùng nhất chúng tôi cũng đã mời công ty tư vấn luật để hoàn thiện, sửa đổi. Cũng mời công ty tư vấn luật góp ý, phản biện. Và điều lệ cuối cùng của SGB chúng tôi vừa hoàn thành cách đây hai tuần và đã gửi đến các cơ quan chủ sở hữu xem xét và sẽ có hai phương án: Một là tổ chức ĐHCĐ bất thường để trình ĐHCĐ thông qua hoặc trình trong ĐHCĐ kế tiếp.
Tuy nhiên trong quá trình điều hành tất cả những nội dung nếu có quy đinh của pháp luật khác với điều lệ của SGB thì HĐQT luôn luôn tuân thủ các quy định pháp luật mới nhất trong điều hành hoạt động của ngân hàng.
- SGB có thêm cổ đông lớn là nhóm Nguyễn Kim, Ban lãnh đạo đánh giá đây là nhóm cổ đông tài chính thông thường chiến lược. Họ có đánh tiến về hoạt động ngân hàng không? Quy vô vốn SGB khá nhỏ thì cạnh tranh như thế nào?
Chủ tịch Vũ Quang Lãm: Về nhóm cổ đông Nguyễn Kim thì đây là tài chính thông thường xin phép không trả lời. Và ghi nhận góp ý về quy mô SGB rất nhỏ khó cạnh trạnh và quá trình cạnh tranh xin phép trả lời ở câu hỏi sau.
- Cơ sở nào để SGB đặt mục tiêu lợi nhuận gấp ba lần thực hiện năm 2024? SGB đánh giá thế nào về tác động của thuế quan Mỹ đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong 2025? Kế hoạch lợi nhuận đã tính đến tác động của thuế quan Mỹ chưa? SGB có kế hoạch cụ thể nào để thu hút tiền gửi không kỳ hạn nhằm giảm chi phí sử dụng vốn?
Chủ tịch Vũ Quang Lãm: Kế hoạch lợi nhuận này đã được chúng tôi rà soát rất kỹ trong quá trình thực hiện dựa trên cơ sở kế hoạch hoạt động kinh doanh cũng được góp ý và sự quyết tâm của toàn hệ thống để trình cổ đông hôm nay thông qua là 300 tỷ đồng. Và chúng tôi cũng cố gắng phấn đấu để vượt mức cổ đông giao nếu không có tác động bất thường. Ưu tiên hàng đầu luôn luôn đảm bảo tính an toàn thanh khoản trong hoạt động, đảm bảo quản trị được rủi ro trong hoạt động ngân hàng nên chúng tôi mới đề ra mức 300 tỷ là tương đối.
Tuy nhiên cũng đúng như cổ đông có nêu thì tác động của thuế quan Mỹ tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng 2025 và lợi nhuận đã tính toán chưa thì chưa. Thật sự mà nói khi xây dựng kế hoạch lợi nhuận là xây dựng từ tháng 10 đã xây dựng rồi và đánh giá liên tục để trước tháng 1/2025 và chuyện tác động của thuế quan Mỹ thì mới gần đây.
Thật sự mà nói thì đối với ngành ngân hàng chưa có tác động này nhưng có thể có tác động tới một số khách hàng của SGB. Chúng tôi đã xem xét và theo dõi và quan điểm của HĐQT là đối với khách hàng lớn và tốt của SGB thì ngân hàng sẽ là người bạn đồng hành để cùng chia sẻ, dìu nhau vượt qua những cơn bão về tài chính nếu có. Chúng tôi rất hy vọng khách hàng của SGB không bị tác động lớn bởi thuế quan này. Và chúng tôi tin rằng Chính phủ cũng sẽ có những gỉai pháp kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn này, doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì ngân hàng cũng vượt qua thôi.
Về thu hút tiền gửi không kỳ hạn nhằm giảm chi phí sử dụng vốn, chúng tôi xin báo cáo là chúng tôi có rất nhiều chính sách để mong hợp tác có được CASA tốt hơn. Thứ nhất là thông qua hoạt động về kinh doanh thẻ như chúng tôi có trình bày khi quyết định chuyển sang trung tâm chuyển đổi số. Qua trung tâm chuyển đổi số này sẽ bám theo các hoạt động của cơ quan hành chính, dịch vụ công, trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính có thu phí sẽ thực hiện các dịch vụ để tăng CASA và dịch vụ ngân hàng. Trong năm 2024, HĐQT đã chỉ đạo và Ban Tổng giám đốc cũng đã hoàn thành đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cũng như hợp tác với một số công ty fintech lớn và cũng có kế hoạch tăng từ từ CASA tăng thêm thu nhập cho ngân hàng.
- Xin ban lãnh đạo chia sẻ về tình hình kinh doanh quý I/2025?
Chủ tịch Vũ Quang Lãm: Còn về tình hình kinh doanh quý I/2025 thì trước với tình hình kinh doanh quý I, chúng tôi nói chung hoạt động theo đúng kế hoạch và có những tăng trưởng rất tốt. Tính đến 31/03, tổng tài sản của chúng tôi là 333.506 tỷ đồng có tăng trưởng, huy động vốn được 28.774 tỷ đồng, cho vay được 21.485 tỷ đồng.
Đặc biệt là lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong 3 tháng đầu năm đạt 98,1 tỷ đồng tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Và chỉ báo lợi nhuận của quý I là chỉ báo quan trọng để chúng tôi tự tin hứa với cổ đông là năm nay sẽ tiếp tục hoàn thành đạt và vượt kế hoạch.
Cũng sẵn đây báo cáo thêm dù trên lợi nhuận hơi thấp do phải đảm bảo tính thanh khoản, đảm bảo quản trị rủi ro nhưng cũng có vùng tích luỹ để chia tiếp cho cổ đông 10% trong năm nay. Và cũng rút kinh nghiệm, chúng tôi cũng chỉ đạo Ban Giám đốc làm việc sớm để chia sớm.
Đại hội đồng cổ đông đã thông qua tất cả tờ trình.