Gần 48,5 triệu cp VCR được thỏa thuận sang tay: Vinaconex bắt đầu thoái vốn?

Ngày 3/7, gần 48,5 triệu cổ phiếu VCR, tương đương 45% vốn điều lệ, được chuyển nhượng qua giao dịch thỏa thuận, sau khi Vinaconex công bố kế hoạch thoái toàn bộ vốn.

Theo dữ liệu giao dịch được công bố trong ngày 03/7, tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu VCR đạt 48,43 triệu đơn vị. Mức giá thực hiện là 49.600 đồng/cổ phiếu, đưa tổng giá trị giao dịch lên hơn 2.402 tỷ đồng.

Số lượng cổ phiếu trên tương đương khoảng 45,2% lượng cổ phần mà Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) đang nắm giữ tại CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Mã: VCR), tương đương khoảng 23% vốn điều lệ của VCR.

Cùng phiên, cổ phiếu VCR trên sàn khớp lệnh đóng cửa ở mức 43.700 đồng/cổ phiếu, giảm 4,4% so với phiên trước. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63.000 cổ phiếu. Như vậy, giao dịch thỏa thuận chiếm tỷ trọng gần như toàn bộ tổng khối lượng giao dịch của mã này trong ngày.

Trước đó, ngày 30/6, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) công bố quyết định của Hội đồng quản trị thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 107,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 51% vốn điều lệ tại VCR. Mức giá chuyển nhượng tối thiểu được Vinaconex xác định là 48.000 đồng/cổ phiếu. 

Tại thời điểm công bố quyết định thoái vốn (ngày 30/6), thị giá cổ phiếu VCR trên sàn ở mức khoảng 42.700 đồng/cổ phiếu. So với mức giá thỏa thuận 49.600 đồng/cổ phiếu, mức chênh lệch là 6.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng với khoảng 16,2% cao hơn so với thị giá thời điểm công bố kế hoạch thoái vốn.

Khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên 3/7 chiếm khoảng 45,2% trong tổng số 107,1 triệu cổ phần mà Vinaconex dự kiến thoái tại VCR. Phần còn lại, tương đương khoảng 58,67 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 27,9% vốn điều lệ của VCR.

VCR là chủ đầu tư dự án khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina, nằm tại vịnh Cái Giá, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, với quy mô khoảng 172,3 ha. Dự án được khởi công từ năm 2009 nhưng chỉ thực sự tái khởi động vào năm 2020. Đến cuối quý I/2025, dự án chưa ghi nhận doanh thu thương mại, trong khi Công ty VCR đang lỗ lũy kế khoảng 545 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất.

Theo thông tin công bố, việc thoái vốn tại VCR là một phần trong kế hoạch cơ cấu lại danh mục đầu tư của Vinaconex. Giao dịch dự kiến mang lại dòng tiền tối thiểu 5.140 tỷ đồng, tương đương khoảng 32% tổng tài sản hợp nhất của Vinaconex tính đến ngày 31/3.

Vinaconex hiện đang đầu tư đồng thời trong nhiều lĩnh vực gồm bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp và các tiện ích thiết yếu. Trong mảng bất động sản, công ty đang triển khai các dự án như Vinaconex Diamond Tower tại khu vực Chợ Mơ, Hà Nội, có diện tích khoảng 1,4 ha, và khu đô thị đại lộ Hòa Bình tại Quảng Ninh với quy mô 48 ha.

Trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, các dự án khu công nghiệp như Đông Anh, Sơn Đông và Hòa Lạc 2 đang trong quá trình chuẩn bị và đầu tư.

Ở lĩnh vực xây dựng, Vinaconex là một trong những tổng thầu lớn đang tham gia nhiều dự án hạ tầng trọng điểm. Trong các tháng đầu năm 2025, công ty đã ký kết ba hợp đồng xây dựng có tổng giá trị 26.819 tỷ đồng, gồm: dự án thủy điện tích năng Bác Ái giai đoạn 2 với giá trị 4.334 tỷ đồng, dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn Nam Định – Thái Bình trị giá 19.785 tỷ đồng, và dự án mở rộng cao tốc La Sơn – Hòa Liên với giá trị 2.700 tỷ đồng.

Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán KBSV, giá trị hợp đồng xây dựng chưa thực hiện (backlog) của Vinaconex tính đến giữa năm 2025 được ước tính vượt 26.000 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm dự án sân bay, cao tốc và hạ tầng đô thị chiếm gần 20.000 tỷ đồng. Việc bổ sung dòng tiền từ hoạt động thoái vốn tại VCR được xác định là một trong những yếu tố góp phần cải thiện năng lực tài chính để thực hiện các gói thầu hiện hữu.

CÙNG CHUYÊN MỤC