Góc nhìn chuyên gia: Triển vọng nào cho nhóm cổ phiếu theo sóng đầu tư công, thép và xuất khẩu trong năm 2025?
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 04/11/2024 14:55
- Lợi Hoàng
Còn hai tháng nữa kết thúc năm 2024 và mốc 1.300 trở thành tâm điểm, ông đánh giá thế nào về diễn biến năm vừa qua?
Năm 2024 có thể nói là một năm tương đối biến động của chỉ số Vnindex. Nửa đầu năm là giai đoạn khá thuận lợi của thị trường. VN-Index đạt mức cao nhất của năm 2024 ở mức trên 1.300 điểm vào giữa tháng 6, tăng 15% so với đầu năm, trong bối cảnh lãi suất thấp kết hợp với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao của các doanh nghiệp so với mức nền thấp của nửa đầu năm trước. Phần lớn các nhóm ngành cũng đạt được mức tăng giá tốt nhất trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 6 đến nay, thị trường có mức biến động cao hơn và thiên về xu hướng sideway trong vùng biên 1.240 – 1.300 điểm. Điều này có thể giải thích bởi một số yếu tố như đà bán của khối ngoại trên 74.000 tỷ đồng từ đầu năm, thị trường chưa có nhiều dòng tiền mới, hay việc định giá của thị trường chung cũng không còn quá hấp dẫn như giai đoạn trước.
Mặc dù vậy, nếu tính từ đầu năm, VN-Index vẫn đạt được mức tăng tích cực 12% vào cuối tháng 10, trong đó chỉ số VN30 có mức tăng 18%, cao hơn các thị trường chứng khoán châu Á.
Đồng thời, nếu nhìn một số nhóm ngành, ta có thể thấy mặc dù chỉ số chung chưa vượt được đỉnh nhưng một số cổ phiếu trong nhiều ngành ngân hàng, chứng khoán, công nghệ, hóa chất, dầu khí, bán lẻ đã vượt qua mức đỉnh lịch sử giai đoạn 2021—2022…
Nên có thể nói năm 2024 là một năm vẫn mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn đối với nhà đầu tư, nhưng cơ hội này mang không đồng đều giữa các nhóm ngành với nhau và cả giữa các cổ phiếu trong cùng một nhóm ngành.
Nhóm công nghệ, bán lẻ và một số mã ngân hàng khởi sắc trong năm nay, ông cho rằng nhóm ngành này còn dư địa tăng trong năm tới dựa trên dự báo kết quả kinh doanh?
Trong năm 2025, SSI Research dự báo lợi nhuận các nhóm ngành công nghệ, bán lẻ và ngân hàng có thể đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khả quan trên 20% nhờ sự ổn định vĩ mô, sự phục hồi dần của ngành bất động sản và thu nhập của người tiêu dùng. Do vậy, giá cổ phiếu thuộc các ngành này vẫn còn dư địa tăng trong năm tới.
Tuy nhiên, hiện tại mặt bằng định giá của nhiều cổ phiếu trong các nhóm ngành này đã tương đương hoặc cao hơn mức trung bình lịch sử. Do vậy, có thể giá cổ phiếu sẽ không tăng cùng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và sự phân hóa có thể sẽ tiếp tục diễn ra đối với các cổ phiếu trong cùng một nhóm ngành.
Đầu tư công đang được kỳ vọng rất lớn để kích thích nền kinh tế, tuy nhiên hầu hết nhóm cổ phiếu liên quan lặng sóng trong năm nay, ông có lý giải thế nào về điều này? Liệu có yếu tố nào để kỳ vọng trong năm 2025?
Đầu tư công vốn là ngành được chú ý rất nhiều trong những năm trước, nhưng trong năm nay thì nhóm ngành này không thu hút được dòng tiền. Trên thực tế thì đầu tư công năm 2024 đã chững lại sau khi tăng trưởng liên tục trong 2 năm liền trước. Theo số liệu mới cập nhật, giá trị giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng đầu năm đạt 355,6 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 47,43% kế hoạch và giảm khoảng 18% so với cùng kỳ.
Việc giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng do một số yếu tố như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư hay thiếu vật liệu tại một số địa phương.
Song, thông thường đầu tư công sẽ tăng tốc trong giai đoạn cuối năm để nỗ lực thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao. Trong năm 2025, theo dự toán của Bộ tài chính trình Quốc hội thì vốn đầu tư phát triển dự kiến tăng hơn 16% so với dự toán năm nay. Do vậy, nhóm đầu tư công sẽ là một nhóm rất đáng chú ý trong năm tới.
Ngành thép trong năm nay khá sôi động với những thông tin liên quan đến chính sách thương mại bảo hộ. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng có phần khởi sắc hơn. Ông đánh giá thế nào về triển vọng năm tới?
Trong năm 2024, nhiều doanh nghiệp thép đã có mức phục hồi ấn tượng, thậm chí có những doanh nghiệp đạt được tăng trưởng lợi nhuận đến vài lần so với mức đáy năm 2023 nhờ sản lượng phục hồi tại cả kênh nội địa và xuất khẩu. Trong đó, sản lượng nội địa của các mặt hàng thành phẩm thép ước tăng khoảng 11% trong 9 tháng đầu năm.
Sản lượng xuất khẩu thép thành phẩm đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng 31% nhờ sự phục hồi của nhu cầu thép tại một số thị trường chiến lược cũng như việc đa dạng hóa thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam.
Về triển vọng năm 2025, tôi cho rằng nhu cầu thép nội địa sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Thứ nhất là những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản với số lượng căn hộ mở bán tăng trưởng gấp đôi tại 2 thành phố lớn trong năm 2024 sẽ giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng trong năm 2025. Thứ hai là hoạt động đầu tư công cũng dự kiến sẽ tăng tốc trở lại trong năm 2025. Thứ ba là môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng vĩ mô nói chung cũng như hoạt động xây dựng nói riêng.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có thể chững lại do nền cơ sở cao trong năm nay và xu hướng bảo hộ ngày càng lan tỏa trên thế giới trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu trong 2 năm vừa qua.
Về giá thép, năm 2024 tiếp tục là một năm đầy biến động trong năm 2024, thậm chí có những thời điểm giá thép Trung Quốc đã về mức đáy năm 2020 khi bắt đầu dịch Covid, do nhu cầu thép tại thị trường này tiếp tục suy yếu. Trong năm 2025, nhiều khả năng giá thép sẽ ổn định hơn nhờ đà giảm tại thị trường Trung Quốc có thể chững lại với những tín hiệu hỗ trợ gần đây chính phủ quốc gia.
Mặc dù vậy, vẫn còn khá sớm để kỳ vọng một sự hồi phục mạnh mẽ của giá thép do sẽ cần thời gian để chính phủ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, và có độ trễ từ khi đưa ra biện pháp hỗ trợ đến khi giá bất động sản tại Trung Quốc phục hồi, rồi sau đó mới đến hoạt động xây dựng. Đồng thời chính phủ Trung Quốc cũng vẫn phải cân đối các biện pháp tài khóa trong bối cảnh tỷ lệ nợ công và thâm hụt ngân sách của nước này đang ở mức cao.
Do vậy nhìn chung tôi cho rằng kết quả kinh doanh các công ty thép có triển vọng tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, nhưng chúng ta vẫn cần theo dõi sát sao các biến số như giá thép cũng như các chính sách thúc đẩy kinh tế, chính sách bảo hộ của Việt Nam cũng như các thị trường lớn trên thế giới.
Doanh nghiệp ngành thép sẽ hưởng lợi thế nào nếu Việt Nam thực hiện dự án đường sắt cao tốc, thưa ông?
Có thể nói ngành thép là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất từ việc triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trên nhiều khía cạnh.
Hiện tổng mức đầu tư dự án sơ bộ hiện tại đang ước khoảng 67,3 tỷ USD, tương đương 1.7 triệu tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng thiết bị khoảng 975 nghìn tỷ đồng nên sẽ tạo nhu cầu cho vật liệu xây dựng rất lớn trong giai đoạn triển khai dự kiến từ cuối năm 2027 đến năm 2035.
Có thể thấy vật liệu xây dựng có nhu cầu trước tiên là đường ray, với chiều dài toàn tuyến khoảng 1,541 km. Hiện tại Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang dự kiến triển khai án thép đường ray tại dự án Phú Yên với chiều dài 50 – 100 mét/thanh.
Bên cạnh đó thì kết cấu dự án cũng có 60% là cầu và 10% là hầm nên cũng sẽ tạo nhu cầu thép xây dựng cho các hạng mục này.
Đồng thời, nếu nhìn rộng hơn thì dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ tạo động lực thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, hoạt động xây dựng dọc theo tuyến đường sắt cũng như tăng trưởng kinh tế vĩ mô, từ đó hỗ trợ nhu cầu các sản phẩm thép nói chung trong dài hạn.
Thị trường xuất khẩu cũng được kỳ vọng tốt hơn, theo ông mặt hàng và nhóm doanh nghiệp nào được dự báo sáng cửa?
Trong 10 tháng đầu năm 2024 nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như điện tử, máy móc thiết bị hay gỗ đã có mức hồi phục mạnh 20-27% từ mức nền thấp năm ngoái nên có thể tốc độ tăng trưởng năm sau sẽ chững lại.
Tuy nhiên một số nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may và thủy sản có thể tiếp tục đà tăng trưởng từ năm nay khi sản lượng xuất khẩu phục hồi mạnh. Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết đã chốt đơn hàng hết quý 1 năm sau với đơn giá cải thiện 5-10%.
Giá xuất khẩu thủy sản dự kiến cũng sẽ cải thiện trong năm 2025. Từ tháng 2 đến tháng 8/2024, phile cá tra đông lạnh của Việt Nam đã vượt phile cá rô phi đông lạnh của Trung Quốc để trở thành sản phẩm cá thịt trắng được nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ, nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung và cạnh tranh về giá.
Do nguồn cung cá rô phi tại Trung Quốc tiếp tục eo hẹp, xuất khẩu phile cá tra của Việt Nam được kỳ vọng sẽ nối tiếp đà tăng trưởng trong thời gian tới khi dự báo nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ được cải thiện trong năm 2025.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!