Hé lộ bức tranh KQKD ngành chứng khoán quý I/2025: MBS, HDS, Kafi, DSC… công bố BCTC, xuất hiện đơn vị báo lỗ đầu tiên

Trong số những cái tên đầu tiên của ngành chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý I, MBS, Kafi ghi nhận tăng trưởng, trong khi HDS, DSC giảm lợi nhuận, CVS báo lỗ.

Trong quý I, Chứng khoán MB (Mã: MBS) ghi nhận doanh thu hoạt động 669 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 127 tỷ đồng, giảm 10%. Doanh thu môi giới và lãi từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng lần lượt giảm 28% và 16%, xuống còn 133 tỷ và 42 tỷ đồng.

Ngược lại, hoạt động cho vay và phải thu mang về 277 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Khoản lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng 32%, đạt 57 tỷ đồng. Chi phí hoạt động trong kỳ giảm đáng kể 59%, xuống còn 108 tỷ đồng nhờ hoàn nhập hơn 77 tỷ đồng từ dự phòng tài chính, tổn thất các khoản phải thu và chi phí đi vay. Chi phí môi giới cũng giảm 14%, còn 117 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, MBS báo lãi trước thuế 339 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 269 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi công ty hoạt động. So với kế hoạch năm nay là 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, công ty đã thực hiện 26% chỉ tiêu sau ba tháng.

Tính đến cuối tháng 3, danh mục FVTPL của MBS có giá trị hơn 2.564 tỷ đồng, tăng 590 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là giấy tờ có giá, trái phiếu niêm yết và cổ phiếu. Khoản đầu tư HTM đạt 4.900 tỷ đồng, phần lớn là tiền gửi kỳ hạn ngắn.

Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán đạt 11.442 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ so với đầu quý, lập kỷ lục mới về quy mô cho vay trong lịch sử hoạt động của công ty.

Chứng khoán Kafi cũng có kết quả đi lên trong quý đầu năm. Doanh thu hoạt động đạt 380 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ. Các mảng kinh doanh chính như lãi FVTPL, lãi từ các khoản cho vay và phải thu, doanh thu môi giới đều tăng đáng kể. Từ đó, Kafi có lợi nhuận sau thuế đạt 73 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 1.310 tỷ đồng, tăng 40% so với quý trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024.

Doanh thu từ hoạt động môi giới và lưu ký chứng khoán đạt 73 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Kết quả này chủ yếu đến từ mảng phân phối chứng chỉ quỹ, với doanh số hơn 5.900 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với quý I/2024.

Thu nhập từ lãi cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán trong quý đạt gần 718 tỷ đồng, tăng 5% so với quý trước và tăng 28% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 31/3, dư nợ cho vay đạt 30.472 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối quý IV/2024. Tỷ lệ dư nợ cho vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,1 lần. TCBS duy trì vị trí dẫn đầu thị trường cho vay ký quỹ. 

Chứng khoán CV (CVS) là đơn vị báo lỗ đầu tiên. Cụ thể, báo cáo tài chính quý I ghi nhận lỗ sau thuế hơn 6 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước.

Chuỗi lỗ triền miên đến từ doanh thu không đủ bù chi phí. Việc đầu tư cho mảng môi giới vẫn chưa đem về hiệu quả tương ứng. Công ty chứng khoán liên quan ví MoMo đang ghi lỗ luỹ kế cuối quý I gần 128 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý I của một số CTCK. (Nguồn: X.N tổng hợp).

Chứng khoán DSC (Mã: DSC) ghi nhận doanh thu hoạt động quý I đạt 131 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Mảng tự doanh đem về 44 tỷ đồng lãi từ FVTPL, giảm 4%.

Lãi từ HTM giảm mạnh 51%, chỉ còn 3 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng cho vay và phải thu tăng trưởng tích cực 20%, đạt 57 tỷ đồng, nhưng doanh thu môi giới lại sụt giảm 41%, chỉ còn 20 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động trong kỳ được tiết giảm đáng kể, giảm 29% xuống 25 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, DSC báo lãi sau thuế 54 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện khoảng 23% kế hoạch doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2025.

Tính đến cuối tháng 3, danh mục FVTPL của DSC có giá trị thị trường gần 2.296 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do giảm mạnh tỷ trọng cổ phiếu niêm yết (chỉ còn gần 76 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (giảm xuống còn 2.220 tỷ đồng). Danh mục HTM giữ nguyên ở mức 270 tỷ đồng, toàn bộ là tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng.

Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ và ứng trước tiền bán tăng lên 2.233 tỷ đồng, trong đó riêng dư nợ margin đạt 2.145 tỷ đồng – mức cao kỷ lục kể từ khi DSC hoạt động.

Chứng khoán HD (HDS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi trong quý I. Nguyên do chủ yếu là không có khoản doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán cao bất thường như cùng kỳ (470 tỷ đồng).

Cụ thể hơn, doanh thu hoạt động quý I của HDS giảm 65% so với cùng kỳ về 244 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó giảm 43% về 79 tỷ đồng.

Một số đơn vị cũng ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý đầu năm như GTJA Việt Nam (Mã: IVS) (-33%) hay Chứng khoán Đông Á (DAS) (-13%).

CÙNG CHUYÊN MỤC