Lộ diện doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết sau mùa báo cáo tài chính 2024
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 05/02/2025 09:51
- Xuân Nghĩa
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) tiếp tục ghi nhận gam màu ảm đạm. Kinh doanh dưới giá vốn, lỗ khác cùng việc duy trì chi phí hoạt động hàng trăm tỷ đồng khiến công ty lỗ ròng 292 tỷ đồng, cũng là quý thứ ba liên tiếp.
Doanh nghiệp cho biết thị trường thép vẫn đang đối mặt nhiều thách thức khi giá thép giảm. Nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn thấp do bất động sản chưa thực sự ổn định và hồi phục, ảnh hưởng đến sản lượng và doanh thu của SMC.
Cả năm 2024, công ty báo lỗ ròng 270 tỷ đồng. Đây là năm lỗ thứ ba liên tiếp. SMC còn đang ôm khoản nợ xấu gần 1.300 tỷ đồng từ các công ty bất động sản và xây dựng. Số tiền đã trích lập dự phòng lên đến 663 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế đến thời điểm 31/1/2/2024 là 439 tỷ đồng. Do tình hình kinh doanh lỗ của doanh nghiệp, cổ phiếu SMC đã vào diện cảnh báo kể từ tháng 4/2024 đến nay.
Lỗ hàng trăm tỷ trong năm 2024 còn có Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex - Mã: AGM). Doanh nghiệp gạo đã lỗ cả 4 quý năm 2024, trong đó quý IV nặng nhất với 140 tỷ đồng. Bối cảnh tương tự với SMC khi Angimex kinh doanh dưới giá vốn và duy trì chi phí hoạt động hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ghi lỗ trong công ty liên doanh, liên kết.
Một đại diện từ ngành vật liệu xây dựng là Viglacera Đông Triều (Mã: DTC) cũng đã lỗ ba năm liền.
Báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy con số lỗ sau thuế 7,1 tỷ đồng, trong khi quý IV/2023 lỗ 6,4 tỷ đồng. Công ty cho biết trong kỳ do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến tiêu thụ sản phẩm khó khăn, hàng bán chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư đầu vào vẫn ở mức cao như than, dầu...
Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng là gánh năng khi hàng hóa tiêu thụ chậm. Giá bán không đủ bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, Viglacera Đông Triều cũng chịu nhiều ảnh hưởng sau cơn bão Yagi và ngập lụt ở phường Hồng Phong, TP Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Sau ba năm kinh doanh đi xuống, lỗ lũy kế đến thời điểm cuối năm 2024 của Viglacera Đông Triều là 88 tỷ đồng.
Bất động sản Điện lực Miền Trung (Mã: LEC) báo lỗ ròng 40 tỷ đồng trong năm 2024, chủ yếu từ áp lực chi phí. Doanh thu và lãi gộp năm 2024 đều nhỉnh hơn so với 2023, ở mức 127 tỷ đồng và 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính và chi phí quản lý ghi nhận lần lượt 53 tỷ đồng và 15 tỷ đồng khiến công ty lỗ nặng hơn năm 2023 (22 tỷ đồng).
Với những trường hợp trên, theo quy định, doanh nghiệp sẽ nhận án hủy niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) hay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nếu báo cáo kiểm toán năm 2024, tức năm thứ ba (2022, 2023, 2024) cho thấy kết quả lỗ tương tự.
Một trường hợp đặc biệt là HVN của Vietnam Airlines. Do ảnh hưởng yếu tố khách quan là dịch COVID-19, hãng hàng không quốc gia đã lỗ 4 năm liên tiếp 2020 - 2023 (đã công bố các báo cáo tài chính năm tương ứng sau kiểm toán). Không những vậy, công ty còn lỗ lũy kế hơn 41.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng tại 31/12/2023.
Tuy nhiên, cổ phiếu HVN không bị hủy niêm yết, hiện vẫn đang được giao dịch trên sàn HOSE.
Hồi đầu năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Trong đó, Điều 120 được đề xuất bổ sung nội dung: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định." Quy định này được xem là cơ sở pháp lý mở đường cho một số công ty được duy trì niêm yết như Vietnam Airlines.
Tình hình kinh doanh của VietnamAirrline đã chuyển biến mạnh trong năm 2024 khi báo lãi trở lại. Công ty đạt 106.750 tỷ đồng doanh thu, tăng 16,5% so với năm trước và lập kỷ lục lịch sử hoạt động. Doanh thu tăng trưởng chủ yếu đến từ sự hồi phục của mang bay quốc tế, việc mở thêm tuyến bay mới, và việc tăng giá vé nội địa. Theo đó, lãi ròng đạt kỷ lục 6.883 tỷ đồng.
Nhà đầu tư làm gì khi cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết?
Theo nhà phân tích độc lập Huỳnh Hoàng Phương, quyết định hủy niêm yết bắt buộc gây ra nhiều hệ lụy cho nhà đầu tư.
Thứ nhất là thanh khoản suy giảm nhanh chóng. Đa số các cổ phiếu bị hủy niêm yết vẫn giao dịch trên UPCoM, tuy nhiên thanh khoản sẽ suy giảm đáng kể.
Thứ hai là cổ phiếu bị không được phép giao dịch ký quỹ (margin). Khi cổ phiếu chuyển sang giao dịch ở UPCoM thì đương nhiên không được phép giao dịch ký quỹ theo quy định. Điều này ngoài gây ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản của cổ phiếu, đồng thời gây rủi ro lớn đối với nhà đầu tư cá nhân thường dùng đòn bẩy khi đầu tư.
Thứ ba là thiếu minh bạch thông tin. Sau khi bị chuyển về UPCoM, doanh nghiệp không còn bị ràng buộc bởi các quy định nghiêm ngặt về công bố thông tin như khi niêm yết.
Thứ tư là rủi ro pháp lý. Nhiều doanh nghiệp bị hủy niêm yết có thể đối mặt với các vấn đề pháp lý, ví dụ như kiện tụng từ cổ đông hoặc bị điều tra bởi các cơ quan quản lý về hành vi gian lận tài chính do các vấn đề liên quan đến công bố thông tin hoặc thua lỗ kéo dài.
Nhìn chung, các thiệt hại do cổ phiếu bị hủy niêm yết là rất lớn cho nhà đầu tư và thiệt hại lớn nhất thường đã diễn ra từ trước thời điểm cổ phiếu chính thức bị hủy niêm yết.
Do đó, để tránh các thiệt hại, nhà đầu tư cần phải nhận diện các rủi ro bị hủy niêm yết từ rất sớm.
Nhà đầu tư cần chủ động trong việc theo dõi tình hình tài chính của công ty, cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo từ sàn giao dịch, và sẵn sàng hành động thoái vốn ngay khi có dấu hiệu bất ổn, tránh tình trạng bỏ qua khi có các dấu hiệu ban đầu vì thấy giá cổ phiếu chưa phản ứng mạnh.
Việc hiểu rõ và phòng tránh các rủi ro này là vô cùng quan trọng để bảo vệ tài sản và đạt được hiệu quả đầu tư bền vững.
Đối với riêng trường hợp lỗ ba năm liên tiếp, nhà đầu tư cần chú ý báo cáo tài chính cho thấy kết quả kinh doanh năm hiện hành đang lỗ và là năm lỗ thứ ba liên tiếp.
Khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính hàng quý, nếu xảy ra lỗ lũy kế từ đầu năm đặc biệt là báo cáo tài chính quý III hoặc cả năm, nhà đầu tư cần kiểm tra lại ngay kết quả hai năm liền trước của doanh nghiệp.
“Nếu hai năm liền trước đều lỗ, nguy cơ cao cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết nếu tiếp tục lỗ năm thứ ba. Nhà đầu tư nên hành động ngay lúc này hoặc tránh mua cổ phiếu, chứ không nên đợi có báo cáo tài chính kiểm toán lỗ năm thứ ba”, ông Phương chia sẻ.