Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng

Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.

Thống kê quy mô 10 công ty chứng khoán có dư nợ ký quỹ (margin) lớn nhất (chiếm 62% toàn ngành tại cuối tháng 9/2024) cho thấy tổng giá trị cho vay cuối năm 2024 đạt khoảng 147.500 tỷ đồng, tiếp tục tăng gần 9.600 tỷ đồng, tương đương tăng 7% sau ba tháng.

Như vậy sau một năm, cho vay margin của riêng nhóm này đã tăng đến gần 39.900 tỷ đồng, tương đương tăng 37%.

 (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Trong quý IV/2024, thị trường chứng khoán chưa có khởi sắc về diễn biến cũng như thanh khoản, khi VN-Index loanh quanh 1.200 - 1.300 điểm. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE chưa đến 15.000 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với quý đầu năm.

Bối cảnh thanh khoản thị trường thu hẹp, các đợt tăng vốn ồ ạt, cộng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong chính sách cho vay margin đã tạo ra bức tranh phân hóa về dư nợ ngành chứng khoán trong quý qua.

Sự phân hóa này còn đến từ khẩu vị, chính sách rủi ro của một số công ty chứng khoán lớn đối với việc cho vay khách hàng lớn (cho vay doanh nghiệp, cho vay deal), các tổ chức tập trung vào hoạt động bán lẻ.

Dư nợ margin tại 10 công ty chứng khoán lớn nhất. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) tiếp tục dẫn đầu thị trường về dư nợ margin. Theo TCBS, cho vay margin và ứng trước tiền bán đạt thu nhập thuần hơn 695 tỷ đồng, tăng 41% so với quý IV/2023. Dư nợ cho vay margin của TCBS tại cuối năm đạt gần 26.000 tỷ đồng, tăng 2% so với quý liền trước (tăng 619 tỷ đồng) và gấp hơn 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2023.

Hai đơn vị vừa vượt mức cho vay margin 20.000 tỷ đồng là Chứng khoán SSI (Mã: SSI) và Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC - Mã: HCM). Dư nợ đã tăng lần lượt 15% và 6% trong quý qua, lên mức 21.815 tỷ đồng đối với SSI (công ty mẹ) và 20.429 tỷ đồng đối với HSC.

Cả ba ông lớn trên đều có những đợt tăng vốn đáng kể trong năm 2024 và tiếp tục có kế hoạch tăng vốn qua 2025.

Ví dụ tại HSC, ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 12/2024 đã thông qua phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, tương đương với dự kiến phát hành gần 360 triệu cp. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 7.208 tỷ đồng lên mức 10.800 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc HSC Trịnh Hoài Giang đánh giá nhu cầu của khách hàng vẫn tốt, nghiệp vụ cho vay đóng góp đáng kể vào hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên theo quy định, tỷ lệ dư nợ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 2 lần (200%). Hiện tỷ lệ này của HSC đã chạm mức quy định.

Do đó, để cho vay mới thì cần tăng vốn. Thêm vào đó, gần đây, HSC đã cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng tổ chức nước ngoài giao dịch mà không cần ký quỹ trước (Non-Prefunding), cũng dẫn đến nhu cầu cần tăng vốn.

Có cho vay margin trên 10.000 tỷ đồng trong cuối năm còn có Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), VPS, Vietcap (Mã: VCI), MBS, VNDirect (Mã: VND).

Bên cạnh đó, dư nợ của Chứng khoán VPBank (VPBankS) và KIS Việt Nam (KISVN) cũng tăng trưởng trong quý IV/2024. Xét về con số tương đối, VPBankS là đơn vị tăng trưởng mạnh nhất với 25%, đạt 9.450 tỷ đồng. Với nguồn vốn chủ sở hữu đạt hơn 17.400 tỷ đồng vào cuối quý IV/2024, dư địa cho vay margin còn lại của VPBankS vẫn dồi dào, ở mức hơn 25.360 tỷ đồng.

Tổng quan, Top 10 ghi nhận đến 9 đơn vị lập đỉnh margin mới, trừ VNDirect. Công ty chứng khoán này vẫn loanh quanh mức dư nợ 10.000 - 11.000 tỷ đồng suốt 4 quý qua.

VNDirect chính là đơn vị bị tấn công hệ thống hồi tháng 3/2024, khiến nhà đầu tư không thể giao dịch suốt một tuần. Sự cố dường như châm ngòi cho đà thu hẹp thị phần môi giới của công ty này trong các quý tiếp theo (năm 2024).

Tại nhóm dư nợ nghìn tỷ phía sau, các đơn vị ghi nhận tăng trưởng dư nợ kể đến Chứng khoán FPT (Mã: FTS), Maybank, Yuanta Việt Nam (YSVN), BVSC, VIX, CTS.... Trong đó, YSVN và VIX có mức tăng mạnh nhất với lần lượt 30% và 40%.

Ở chiều ngược lại, một số đơn vị ghi nhận giảm khoản cho vay margin trong quý cuối năm như Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), VCBS, DNSE, Rồng Việt (VDSC)...

 

CÙNG CHUYÊN MỤC