Một công ty đổi chủ, thay tên mới thành 'Chứng khoán UP'

Cựu Chủ tịch Lê Thanh, cựu CEO Trần Thị Thu Hương, cựu Trưởng Ban kiểm soát Đoàn Danh Hưng đã thoái sạch vốn tại IRS, tương đương với tỷ lệ tổng cộng 95,2%. Ngược lại, tân Chủ tịch Cao Tấn Thành nắm giữ 16,5% vốn; Thành viên HĐQT Lê Tuấn nắm 19,5% vốn.

CTCP Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS) thông báo chính thức đổi tên thành CTCP Chứng khoán UP (UP Securities Company - UPS) kể từ 23/9. IRS đồng thời thay logo, website công ty, cũng như nền tảng giao dịch.

Việc thay đổi này đã được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp bất thường vào tháng 6. Công ty cho biết đổi tên dựa trên cơ sở đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hoạt động và định hướng phát triển trong giai đoạn mới.

UPS nêu việc đổi thương hiệu nằm trong chiến lược phát triển dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ nhà đầu tư mới, hướng đến các giải pháp tài chính đầu tư cá nhân dành cho giới trẻ.

Cụ thể, về chiến lược phát triển, thứ nhất, công ty muốn đặt trọng tâm đổi mới công nghệ, cải tiến liên tục, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn vào đầu tư chứng khoán. Thứ hai, hướng tới các sản phẩm tài chính linh hoạt, dễ tiếp cận, phù hợp với thế hệ trẻ và liên kết với các nền tảng fintech. Thứ ba, đối với cộng đồng và truyền thông đa kênh, UPS dự định phát triển cộng đồng nhà đầu tư trẻ thông qua các nền tảng số.

 Thông báo thay đổi thương hiệu từ 23/9. (Nguồn: UPS).

Trước thời điểm đổi nhận diện, công ty chứng khoán có nhiều biến động nhân sự trong bộ máy hoạt động. Về vị trí CEO, công ty đã bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Đạt đảm nhiệm từ 18/6, thay thế bà Trần Thị Thu Hương. Ông Đạt không giữ chức vụ tại công ty trước đó.

Bà Hương được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc từ 2015, đến nay được 9 năm. Cá nhân bà Hương sở hữu 7,7% vốn công ty.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần một năm 2024 (tháng 1), cổ đông đã bầu ông Hồ Ngọc Toàn làm Thành viên HĐQT, thay thế ông Lê Thanh Hà từ nhiệm vì lý do cá nhân. Ông Hà có thời gian gắn bó 16 năm tại cương vị Thành viên HĐQT.

Thời điểm đó, ông Hà đã chuyển nhượng toàn bộ 6,75% vốn của mình cho em trai là ông Lê Thanh - Chủ tịch HĐQT. Bố và mẹ của ông Thanh cũng chuyển tổng cộng hơn 68% vốn cho vị lãnh đạo công ty.

Đến cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần hai năm 2024 (tháng 6), cổ đông thông qua việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Lê Thanh, ông Hồ Ngọc Toàn và bà Trần Thị Thu Hương. Đồng thời, đại hội miễn nhiệm các Thành viên Ban Kiểm soát gồm ông Đoàn Danh Hưng, bà Phan Thị Mai Hương và bà Nguyễn Thị Mai Anh.

Tất cả nhân sự trên đều có đơn từ nhiệm trong hai ngày 28 - 29/6, với chung lý do thay đổi kế hoạch công việc.

ĐHĐCĐ phê duyệt việc tăng số lượng thành viên HĐQT từ 3 thành viên lên 4. Danh sách trúng cử gồm ông Cao Tấn Thành (Chủ tịch), ông Vũ Việt Bảo, ông Lê Tuấn và bà Vũ Thị Hồng Giang (Thành viên độc lập). Ban Kiểm toán mới gồm bà Nguyễn Diệu Trang (Trưởng ban), bà Ngô Thị Song Ngân và ông Phạm Xuân Thành.

Sau đó, đến ngày 30/6, HĐQT tiếp tục miễn nhiệm Kế toàn trưởng đối với bà Nguyễn Thị Khanh, đồng thời bầu ông Trần Văn Chiến (kiêm Giám đốc Tài chính). HĐQT cũng bổ nhiệm ông Trần Đức Nam làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính.

Ban điều hành mới gồm CEO Nguyễn Quang Đạt, Phó Tổng Giám đốc Trần Đức Nam, Giám đốc Tài chính Trần Văn Chiến.

Ba thành viên ban điều hành UPS. (Nguồn: UPS).

Tiếp tục với biến động cơ cấu sở hữu, báo cáo quản trị bán niên 2024 cho thấy trong nửa đầu năm, cựu Chủ tịch Lê Thanh, cựu CEO Trần Thị Thu Hương, cựu Trưởng Ban kiểm soát Đoàn Danh Hưng đồng thời thoái sạch vốn, tương đương với tỷ lệ tổng cộng 95,2%.

Ngược lại, tân Chủ tịch Cao Tấn Thành nắm giữ 16,5% vốn; Thành viên HĐQT Lê Tuấn nắm 19,5% vốn thời điểm cuối tháng 6. Ngoài ông Thành và ông Tuấn, các cổ đông khác tham gia mua lượng cổ phiếu từ 3 cựu lãnh đạo nêu trên vẫn chưa lộ diện.

Ông Cao Tấn Thành đang đồng thời là cổ đông lớn tại CTCP Phim Mới (lĩnh vực điện ảnh) và CTCP Bolt Holdings (lĩnh vực bất động sản). Còn ông Lê Tuấn đang đảm nhiệm Tổng Giám đốc tại CTCP EP Advisory (lĩnh vực tư vấn quản lý).

Chứng khoán Hoàng Gia được thành lập từ năm 2007. Báo cáo thường niên 2009 cho thấy tại thời điểm cuối năm, công ty có 11 cổ đông lớn, gồm 2 tổ chức và 9 cá nhân. Trong đó, CTCP Quốc tế Hoàng Gia (Mã: RIC) và CTCP SPM (Mã: SPM) cùng nắm 5% vốn; 4 cá nhân gia đình Chủ tịch Lê Thanh nắm 37,35% vốn; bà Trần Thị Thu Hương nắm 10% vốn...

Về tình hình tài chính, công ty báo lãi sau thuế hơn 4,1 tỷ đồng năm 2021. Con số này giảm xuống 1,2 tỷ đồng năm 2022 và 664 triệu đồng năm 2023.

6 tháng đầu năm nay, công ty báo lãi hơn 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1,7 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ việc hoàn nhập 11 tỷ đồng chi phí các dịch vụ khác. Lãi sau thuế chưa phân phối tính đến cuối tháng 6 đạt gần 28 tỷ đồng. 

 Kết quả kinh doanh từ khi công bố thông tin đến nửa đầu năm 2024. (Nguồn: X.N tổng hợp).

 
CÙNG CHUYÊN MỤC