Ngân hàng Việt có lợi nhuận tốt nhưng tài sản ít, vốn mỏng

Các nhà băng Việt Nam có lợi nhuận và vốn hóa cao hơn tương đối so với các doanh nghiệp trong khu vực nhưng doanh thu và quy mô tài sản thấp hơn. Hiện đã có hai ngân hàng quốc doanh lọt vào nhóm 100 tại châu Á và ba ngân hàng đang tiến gần đến cột mốc này.

Trong hội nghị Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các ngân hàng cổ phần phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ hai đến ba ngân hàng nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có ngân hàng tư nhận nào được lọt Top 100 doanh nghiệp tại khu vực châu Á. Hai ngân hàng Việt nằm trong danh sách này đều là ngân hàng quốc doanh (Vietcombank và BIDV), tuy nhiênmột số ngân hàng cổ phần như MB, Techcombank cũng đang tiến gần hơn tới bảng xếp hạng.

Hai ông lớn quốc doanh trong top 100 châu Á

Trong danh sách Forbes TheGlobal 2000 năm 2024, bao gồm 2000 doanh nghiệp lớn mạnh nhất toàn cầu, có 311 ngân hàng góp mặt. Danh sách của Forbes được tổng hợp dựa trên 4 yếu tố: doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và vốn hóa. Danh sách của Forbes không gồm các doanh nghiệp đến từ Nga do cuộc xung đột Ukraine. 

Trong danh sách 311 ngân hàng, Trung Quốc đóng góp nhiều nhất, tới 49 đại diện, Mỹ đứng thứ hai với 38 ngân hàng, Nhật Bản thứ ba với 35 ngân hàng và kế đến là Ấn Độ. Việt Nam cũng có 7 đại diện góp mặt trong danh sách. 

So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có nhiều ngân hàng góp mặt trong TheGlobal 2000 nhất. Malaysia có 6 ngân hàng, Thái Lan có 5 ngân hàng, Indonesia có 4, Singapore có 4 và Philippines có 2 đại diện góp mặt trong danh sách này. 

Mặc dù có nhiều thành viên lọt vào TheGlobal 2000 nhưng ngân hàng Việt Nam có thứ hạng tương đối thấp trên bảng xếp hạng tổng thể (bao gồm nhiều lĩnh vực). Cụ thể, Vietcombank (hạng 815), BIDV (hạng 899), VietinBank (hạng 1.194), MB (hạng 1.452), Techcombank (hạng 1.478), ACB (hạng 1.665) và VPBank (hạng 1.997) là những ngân hàng Việt Nam lọt vào TheGlobal 2000. 

Nếu chỉ tính riêng nhóm ngân hàng, Vietcombank đứng thứ 128/311, BIDV đứng thứ 141, VietinBank là 175. Các ngân hàng cổ phần MB, Techcombank, ACB và VPBank lần lượt xếp thứ 209, 214, 251 và 311. Như vậy, không có bất cứ ngân hàng nào của Việt Nam lọt vào top 100 ngân hàng lớn nhất thế giới. 

Nếu xét riêng tại khu vực châu Á, Việt Nam chỉ có hai ngân hàng lọt top 100 theo bảng xếp hạng TheGlobal 2000 là Vietcombank (hạng 68) và BIDV (hạng 76). Trong khi đó, VietinBank là ngân hàng lớn mạnh thứ 101 tại châu Á. Những ông lớn cổ phần như MB, Techcombank, ACB và VPBank lần lượt đứng thứ 119, 122, 145 và 189 tại khu vực châu Á. 

Nếu thu hẹp hơn nữa, tại khu vực Đông Nam Á, Vietcombank là ngân hàng lớn mạnh thứ 10/28, đứng sau các đại diện đến từ Singapore, Indonesia và Malaysia. Forbes xếp Vietcombank trên những ngân hàng mạnh nhất của Thái Lan là Kasikornbank, SCB X hay Bangkok Bank. 

BIDV đứng thứ 13 còn VietinBank đứng thứ 18. BIDV được xếp hạng cao hơn cả SCB X - ngân hàng vừa mua lại Home Credit Việt Nam. Trong khi đó, 4 ông lớn cổ phần là MB, Techcombank, ACB và VPBank lần lượt xếp thứ 23, 24, 26 và 28 tại khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam có 7 ngân hàng góp mặt trong danh sách TheGlobal 2000. 

Ngân hàng Việt có lợi nhuận tốt nhưng tài sản ít, vốn mỏng

Bảng xếp hạng TheGlobal 2000 tổng hợp dựa trên 4 yếu tố là doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và vốn hóa. Nếu tách riêng từng chỉ số trên, thứ hạng của các ngân hàng Việt Nam so với châu Á và trên toàn thế giới sẽ có sự thay đổi. 

Chẳng hạn, nếu dựa trên doanh thu, tại khu vực châu Á, BIDV đứng hạng 71 tại châu Á, VietinBank 79 còn Vietcombank là 93. VPBank vươn lên vị trí thứ 115 còn MB, Techcombank và ACB lần lượt đứng hạng 122, 132 và 144. Doanh thu của ngân hàng là các khoản thu nhập chưa trừ đi chi phí (thu nhập lãi, thu nhập từ dịch vụ, thu nhập từ ngoại hối …) và chi phí hoạt động, chi phí trích lập dự phòng.

Nếu tính đến chỉ số lợi nhuận, các ngân hàng Việt Nam ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong bảng xếp hạng. Cụ thể, Vietcombank đứng thứ 71 tại khu vực châu Á, với lợi nhuận 1,4 tỷ USD. Các ngân hàng như BIDV, MB, VietinBank và Techcombank lần lượt chiếm 4 vị trí từ 92 đến 95 với lợi nhuận từ 819 triệu USD đến 967 triệu USD. 

ACB và VPBank đứng thứ 108 và 132 với lợi nhuận lần lượt đạt 673 triệu USD và 460 triệu USD. Nhìn chung, các ngân hàng Việt Nam thường có biên lãi thuần (NIM) cao hơn đáng kể so với những quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và nhóm quốc gia Hồi giáo. Nhờ đó, lợi nhuận/tài sản của ngân hàng Việt Nam thường nằm trong nhóm dẫn đầu tại châu Á. 

Ngân hàng Việt Nam có xếp hạng cao ở lợi nhuận và vốn hóa, trong khi doanh thu và tổng tài sản thấp. 

Về chỉ số tổng tài sản, các ngân hàng Việt Nam đang tụt lại khá xa so với các đối thủ từ châu Á. BIDV là ngân hàng duy nhất lọt vào top 100 với tài sản đạt 93,9 tỷ USD, xếp hạng 100/189. VietinBank và Vietcombank lần lượt đứng thứ 115 và 126 với tài sản đạt 83,8 tỷ USD và 71,5 tỷ USD. 

Tài sản của nhóm cổ phần đứng chót bảng. Trong đó, MB đứng thứ 182 với 36,3 tỷ USD, Techcombank đứng thứ 183 với quy mô 35,7 tỷ USD; VPBank và ACB lần lượt đứng thứ 186 và 187 với quy mô 33,2 và 29,6 tỷ USD. 

Ngoài quy mô tài sản thấp, nguồn vốn của các ngân hàng Việt Nam cũng tương đối yếu nếu so với các đối thủ trong khu vực. Theo số liệu của Eastspring Investments, phần lớn ngân hàng tại châu Á duy trì tỷ lệ vốn cấp 1 (Tier 1) trên 15% (yêu cầu về tỷ lệ vốn cấp 1 khắt khe hơn so với tỷ lệ an toàn vốn - CAR). 

Ngược lại, tỷ lệ CAR của các ngân hàng Việt Nam áp dụng Thông tư 41/2016 vào cuối tháng 6/2024 chỉ khoảng 12%. Trong đó, tỷ lệ CAR của nhóm Big4 là 9,99% còn nhóm cổ phần là 11,86%. 

Tuy nhiên, nếu xét đến câu chuyện vốn hóa, các ngân hàng Việt Nam đang được định giá cao tại khu vực châu Á. Cụ thể, Vietcombank đứng thứ 42/189 với vốn hóa hơn 20,2 tỷ USD (tại thời điểm Forbes ghi nhận). 

BIDV đứng hạng 75 với vốn hóa 11,1 tỷ USD; VietinBank và Techcombank lần lượt xếp thứ 97 và 99 với vốn hóa 7 và 6,9 tỷ USD.  Ba ngân hàng cổ phần còn lại là VPBank, MB và ACB lần lượt có vốn hóa 6 tỷ USD, 4,8 tỷ USD và 4,2 tỷ USD đứng hạng 111, 123 và 129 tại châu Á.