OCB triển khai tăng vốn điều lệ lên hơn 26.630 tỷ đồng

OCB dự kiến phát hành gần 197,3 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ từ 24.658 tỷ lên hơn 26.630 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025.

Ngày 21/5, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Phương đông (OCB - Mã: OCB) công bố nghị quyết thông qua việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2025 bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, OCB dự kiến sẽ phát hành gần 197,3 triệu cổ phiểu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 8% (cổ đông sở hữu 100 cp sẽ nhận được 8 quyền). Mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng/cp, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 1.973 tỷ đồng.

Nguồn thực hiện là từ nguồn vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2024, xác định theo BCTC riêng và hợp nhất đã được kiểm toán sau khi trích lập các quỹ theo quy định. Thời gian dự kiến triển khai là trong năm 2025.

Nếu hoàn thành đợt phát hành kể trên, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng thêm 1.973 tỷ đồng, từ 24.658 tỷ đồng lên hơn 26.630 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2025, vốn điều lệ của OCB là 24.658 tỷ đồng, đứng thứ 15 trên bảng xếp hạng toàn ngành về quy mô vốn điều lệ. 

Trước đó, trong năm 2024, OCB đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 20.548 tỷ đồng lên gần 24.658 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. OCB chưa thực hiện việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động  (ESOP) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong năm 2024 do tình hình chưa phù hợp.

Ngân hàng cho biết kế hoạch sử dụng vốn điều lệ tăng thêm bao gồm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (1.258 tỷ đồng); mua sắm xây dựng cơ sở vật chất (714 tỷ đồng), trong đó đầu tư công nghệ thông tin (171 tỷ đồng), nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản (464 tỷ đồng),  trang bị tài sản cố định, công cụ lao động (79 tỷ đồng). 

 (Nguồn: OCB)

Về OCB, năm 2025 là năm cuối cùng để thực hiện chiến lược giai đoạn 2021 - 2025. Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ, tăng 13%; tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ, tăng 14%; tổng dư nợ thị trường 1 khoảng 208.472 tỷ, tăng 16% lên. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 5.338 tỷ, tăng 33% so với kết quả đạt được trong năm 2024. Nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Về kết quả kinh doanh, ngân hàng OCB công bố báo cáo tài chính quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 893 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 712 tỷ đồng, giảm 25,3%.

Đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của OCB ở mức 289.067 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 2,5% lên 175.136 tỷ đồng; trong khi đó dự phòng rủi ro cho vay khách hàng giảm 6% xuống còn 2.397 tỷ đồng. 

Số dư nợ xấu của ngân hàng vào cuối tháng 3 ở mức 6.851 tỷ đồng, tăng 26,7%. Tỷ lệ nợ xấu của OCB theo đó cũng tăng từ 3,17% lên 3,91%.

 

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.

Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.