Sau gần 20 năm thành lập, vừa qua thị xã Cửa Lò đã được thông qua đề án sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có vào TP Vinh.
Cửa Lò là một thị xã nằm ở phía đông nam của tỉnh Nghệ An. Địa phương này cách TP Vinh khoảng 15 km về phía đông bắc, tiếp giáp các huyện Nghi Lộc và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Theo Dân trí, trong cuộc họp thường kỳ diễn ra ngày 23/3 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua dự thảo Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh và thành lập các phường thuộc thành phố Vinh. Theo dự thảo Đề án, toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò sẽ được điều chỉnh sáp nhập về TP Vinh.
Cửa Lò được biết đến là một trong những điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước khi có lợi thế đường bờ biển trải dài. Những năm qua, diện mạo hạ tầng giao thông của địa phương này cũng có nhiều thay đổi lớn.
Trong ảnh là ĐT535, hay còn gọi là đường Vinh - Cửa Hội. Tuyến có chiều dài 11 km, điểm đầu tại nút giao với đường Nguyễn Sỹ Sách thuộc địa bàn xã Hưng Lộc, TP Vinh; điểm cuối giao với đường Bình Minh thuộc phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò. Giai đoạn 1 của dự án được khởi công từ năm 2013.
Chạy dọc ĐT535 sẽ đi qua nút giao với cầu Cửa Hội. Vào tháng 3/2021, dự án cầu Cửa Hội nối Thị xã Cửa Lò với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã chính thức được thông xe. Đây là cây cầu thứ 3 bắc qua sông Lam (sau cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2), kết nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Cầu Cửa Hội có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, tổng chiều dài 5.271 m, gồm phần cầu chính dài 1.728 m, còn lại là phần đường dẫn phía Nghệ An và Hà Tĩnh. Cây cầu này hoàn thành đã tạo sự liên kết giữa tuyến đường ven biển với các trục giao thông lớn, giảm tải lượng phương tiện cho QL1A, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Đông của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đường dẫn lên cầu Cửa Hội tạoh thành một bùng binh, chính là điểm giao cắt giữa tuyến đường ven biển và tuyến đường trục từ Đông - Tây của thị xã Cửa Lò, kết nối trực tiếp với KCN Nam Cấm.
Từ vị trí này đến bãi biển Cửa Hội mất khoảng 2 km, cách TP Vinh khoảng 11 km, cách KCN Nam Cấm hơn 7 km.
Điểm cuối của tuyến ĐT535 nằm tại vị trí giao với tuyến đường ven biển. Bên phải là khu nghỉ dưỡng của Vinpearl, phía xa là dự án cáp treo thẳng ra Đảo Ngư đang được xây dựng.
Tuyến cáp treo vượt biển dài này dài 3,5 km, nối Cửa Hội với đảo Ngư (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) do tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng, được khởi công vào tháng 11/2019.
Theo ghi nhận của người viết, hiện nhà ga cáp treo ở phía Cửa Hội đã hoàn thành, còn phía đảo Ngư đang được thi công. Tổng mức đầu tư của tuyến cáp treo này khoảng 4.000 tỷ đồng.
Hiện nay, đường Bình Minh (tuyến đường ven biển chạy dọc Cửa Hội và Cửa Lò) đang được thi công mở rộng. Dọc hai bên tuyến đường này có nhiều dự án bất động sản đang được đầu tư.
Đi dọc đường Bình Minh sẽ đến nút giao với Đại lộ Vinh - Cửa Lò, một dự án trọng điểm của Nghệ An trong những năm qua.
Giai đoạn 1 của Đại lộ Vinh - Cửa Lò đã được thông xe, có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2021, có chiều dài 10,8 km, điểm đầu nằm ở nút giao với Đại lộ Lê Nin, TP Vinh; điểm cuối giao với trục đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò. Vào tháng 5/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã lên kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện giai đoạn 2 của dự án.
Khu vực quanh nút giao Đại lộ Vinh - Cửa Lò và đường Bình Minh hiện tập trung một số dự án bất động sản lớn. Bên trái là khu đất dự án nghỉ dưỡng của Bảo Khánh Hamico.
Phía bên phải của Đại lộ Vinh - Cửa Lò là dự án Cửa Lò golf resort.
Dự án này có diện tích khoảng 138 ha, được triển khai xây dựng từ năm 2007.
Đi qua Đại lộ Vinh - Cửa Lò sẽ đến trung tâm thị xã Cửa Lò. Trong ảnh là khu vực nút giao Bình Minh - Nguyễn Sinh Cung.
Vị trí này là nơi đặt Quảng trường trung tâm của thị xã Cửa Lò.
Một số công trình tại Quảng trường Bình Minh.
Đầu tháng 4 vừa qua, UBND thị xã Cửa Lò đã công bố đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu lâm viên phía đông đường Bình Minh. Đồ án này thuộc địa bàn 4 phường Thu Thuỷ, Nghi Thu, Nghi Hương và Nghi Hoà, phía đông thị xã Cửa Lò, kéo dài khoảng 4,4 km chiều dài bờ biển.
Từ Quảng trường trung tâm, nằm dọc đường Bình Minh là loạt khách sạn nghỉ dưỡng.
Theo ghi nhận của người viết, không có nhiều khách sạn cao tầng tại tuyến đường ven biển này. Phần lớn các khách sạn đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ lâu như khách sạn Sài Gòn Kim Liên, Thái Bình Dương, Hòn Ngư, Công Đoàn...
Điểm cuối của đường Bình Minh là đảo Lan Châu. Phía xa là khu vực cảng Cửa Lò.
Đây cũng là khu vực tâp trung đông nhất dân cư của địa phương.
Vào cuối tháng 9/2022, thị xã Cửa Lò đã giải tỏa, tháo dỡ hơn 200 ki ốt kinh doanh ăn uống, công trình xây dựng, nhà nghỉ dưỡng, khách sạn... một bên bờ biển Cửa Lò.
Bên cạnh thị xã Cửa Lò, vào tháng 8/2022, Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An đã thống nhất sáp nhập vào TP Vinh 5 xã thuộc huyện Nghi Lộc, bao gồm Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ và Nghi Thái.
Theo quyết định số 52 của Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050, vùng nghiên cứu phát triển TP Vinh có diện tích khoảng 250 km2, bao gồm toàn bộ TP Vinh, toàn bộ thị xã Cửa Lò, một phần huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc.
Mô hình phát triển đô thị độc lập nhưng kết nối đồng bộ ba khu vực đô thị: Vinh - Hưng Nguyên; Cửa Lò; Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam bằng các trục giao thông chính.
Không gian đô thị Vinh được chia thành 4 phân vùng trong đó có ba phân vùng phát triển đô thị và một phân vùng là khu vực liên kết, cụ thể: Khu vực đô thị trung tâm, gồm TP Vinh hiện hữu và mở rộng về phía tây thuộc huyện Hưng Nguyên; khu vực đô thị Cửa Lò hiện hữu và mở rộng về phía tây thuộc huyện Nghi Lộc; khu vực đô thị Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam; vùng đệm thuộc vùng nông thôn và vùng ven của các phân vùng phát triển.