Sắp xây tuyến đường hơn nghìn tỷ kết nối hai khu đô thị lớn của Quy Nhơn

Tuyến đường kết nối từ Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa đến Khu đô thị Long Vân có chiều dài khoảng 13,5 km, tổng mức đầu tư 1.107 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Toàn cảnh tuyến đường nối hai khu đô thị sẽ được xây dựng. (Nguồn: Chủ đầu tư).

Ban Quản lý Dự án các công trình Giao thông và Dân dụng tỉnh Bình Định vừa qua đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa đến Khu đô thị Long Vân. 

KĐT Quy Hòa và KĐT Long Vân đều là những dự án lớn của Bình Định. Hiện tại việc kết nối hai KĐT này có tuyến Quốc lộ 1D, sau đó đi theo tuyến đường ĐT.638 (tổng chiều dài khoảng 14,5 km).

Tuy nhiên, tính kết nối tổng thể giữa hai dự án trên phát huy hiệu quả định hướng phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm hiện hữu TP Quy Nhơn, đặc biệt là phát triển khu du lịch, đô thị nghỉ dưỡng theo sườn Đông khu vực núi Vũng Chua hướng ra biển.

Trên cơ sở đó, cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường kết nối hai KĐT Quy Hòa và Long Vân.

Tuyến đường này có tổng chiều dài 13,5 km, mặt cắt ngang đường 12 m, đi qua các phường Ghềnh Ráng và phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn. Khu vực tuyến đường đi qua hiện trạng phần lớn là đất rừng, đất lúa, đất ở đô thị, đất trồng cây lâu năm... 

Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao giữa đường Đại lộ Khoa học, đường ĐS1 và đường ĐS1C thuộc KĐT Quy Hòa.

Điểm cuối nằm tại nút giao giữa ĐT.638 và tuyến đường thuộc dự án Cải tạo hệ thống tiêu thoát lũ và kết nối giao thông hai bờ Suối Trầu, KĐT Long Vân.

Trong ĐTM, chủ đầu tư cho biết, tiến độ thi công tuyến đường này là 36 tháng (2025 - 2028). Tổng mức đầu tư là 1.107 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 758 tỷ đồng, chi phí tái định cư 113 tỷ đồng.

Một góc quốc lộ 1D đoạn qua phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn. (Ảnh: Hoàng Huy).

KĐT Khoa học và Giáo dục Quy Hòa được quy hoạch trên diện tích 242 ha, tại phường Ghềnh Ráng với định hướng trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định và miền Trung - Tây Nguyên. 

Còn KĐT Long Vân có tổng diện tích quy hoạch gần 1.400 ha, quy mô dân số 49.000 người, được định hướng là khu đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI)...

Vào giữa năm 2020, Bình Định từng phát thông báo tìm chủ đầu các KĐT Long Vân 2, Long Vân 3 và Long Vân 4 với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng.

Sau đó, tỉnh đã chấp thuận KĐT Long Vân 2 (32 ha, 2.457 tỷ) đối với liên danh CTCP Bất động sản Hano - Vid - CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nam Quang.

KĐT Long Vân 3 (38 ha, 2.550 tỷ) được chấp thuận cho liên danh CTCP Xây dựng TC Bình Định - Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Kho bãi Nhơn Tân.

KĐT Long Vân 4 (32 ha, 2.220 tỷ) thuộc về một nhà đầu tư địa phương là liên danh CTCP Phú Tài -  Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Kho bãi Nhơn Tân.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Kể từ ngày 12/6 cả nước chỉ còn 34 tỉnh thành, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố.

Trong đó, thành lập tỉnh Gia Lai mới trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, trung tâm hành chính đặt tại TP Quy Nhơn.