Thanh khoản thị trường chứng khoán lại mất hút

Phiên 5/11, giá trị giao dịch trên HOSE chưa đến 11.000 tỷ đồng, thấp thứ hai kể từ đầu năm.

VN-Index dao động với biên độ hẹp quanh tham chiếu. Giao dịch giằng co ngay từ đầu phiên khi không bên mua hay bán chiếm ưu thế. Các nhóm cổ phiếu vốn hóa không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thanh khoản giảm sút. Lực cầu cải thiện hơn vào phiên chiều giúp chỉ số chung đạt sắc xanh, song cũng chỉ kết phiên tăng hơn 1 điểm, đạt 1.245,8 điểm, khi không có sự đồng thuận nào đáng kể.

Thị trường có phiên giao dịch kém sôi động cả về giá và thanh khoản. Trên HOSE, giá trị giao dịch (khớp lệnh và thỏa thuận) đạt chưa đến 11.000 tỷ đồng. Con số này thấp hơn 31%, tương đương gần 4.900 tỷ đồng so với phiên đầu tuần.

Đây là phiên có giá trị giao dịch thấp thứ hai kể từ đầu năm, sau phiên 12/9 với 10.470 tỷ đồng (trên HOSE). Trong đó, giá trị khớp lệnh nhỏ giọt chiếm chưa đến 8.200 tỷ đồng, tương ứng với gần 333 triệu đơn vị; giá trị thỏa thuận đạt gần 2.800 tỷ đồng, tương ứng với gần 84 triệu đơn vị.

 Diễn biến VN-Index từ đầu năm đến 5/11. (Biểu đồ: TradingView).

Thị trường phân hóa rõ rệt. Trên HOSE có 187 mã tăng, 168 mã giảm và 83 mã đi ngang. Với những mã tăng hay giảm cũng không xuất hiện quá nhiều trường hợp biến động đáng kể. Các nhóm ngành thu hút dòng tiền, như bất động sản, ngân hàng hay chứng khoán ghi nhận xu hướng giảm và phân hóa.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, qua tháng 11, với kỳ vọng áp lực tỷ giá giảm thì đây khả năng là tháng tăng điểm của VN-Index. Tuy nhiên, tuần đầu tiên của thị trường có thể chịu ảnh hưởng của diễn biến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Quan sát thống kê trước đây, đa phần thị trường đều tăng điểm sau kết quả bầu cử, dù đảng nào lên nắm quyền.

Ông Minh cho rằng nhà đầu tư vẫn chịu tâm lý trước ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm. Thị trường vẫn cần những câu chuyện có tính chất “mạnh” hơn để thị trường vượt qua cột mốc này.

CÙNG CHUYÊN MỤC