Thêm 2 triệu tài khoản chứng khoán trong năm 2024
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 06/01/2025 14:46
- Xuân Nghĩa
Theo dữ liệu Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), tại 31/12/2024, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đạt 9,23 triệu đơn vị (xấp xỉ 9,1% dân số).
Con số này cao hơn 140.559 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 11. Mức tăng số lượng tài khoản trong tháng 12/2024 nhỉnh hơn so với tháng 11/2024 (trên 135.000 tài khoản) và thấp thứ hai trong 6 tháng cuối năm.
Lũy kế cả năm 2024, số lượng tài khoản của cá nhân trong nước đã tăng 2 triệu tài khoản. Tính trung bình, thị trường gia tăng khoảng 167.000 tài khoản giao dịch cá nhân trong nước mỗi tháng, trong đó cao nhất vào tháng 8/2024 và thấp nhất là tháng 4/2024.
Nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 138 tài khoản trong tháng 12/2024, cao hơn so với mức tăng 107 tài khoản trong tháng 11/2024 trước đó. Lũy kế cả năm, nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 1.502 tài khoản.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, số lượng tài khoản tăng 182 đơn vị trong tháng 12/2024, cao hơn so với mức tăng 162 tài khoản của tháng 11/2024; trong đó cá nhân tăng 162 tài khoản, tổ chức tăng 20 tài khoản. Số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tại cuối tháng 12/2024 đạt 47.780 tài khoản.
Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đến cuối năm 2024 đạt 9,3 triệu đơn vị.
Trong năm 2024, VN-Index đã tăng gần 137 điểm, tương đương tỷ lệ 12,1%. Mức tăng này khả quan hơn so với năm 2023 (tăng hơn 10% so với cuối 2022). Vốn hóa sàn HOSE đạt khoảng 5,2 triệu tỷ đồng.
Thị trường ghi nhận xu hướng tăng trong quý đầu năm rồi chuyển sang dao động lình xình suốt ba quý còn lại. Nhóm ngân hàng tăng mạnh trong tháng 1/2024 dẫn dắt thị trường đi lên, nhưng khi điều chỉnh cũng gây áp lực ngược lại, khiến chỉ số chưa thể vượt mốc 1.300 điểm.
Tổng giá trị giao dịch (cả khớp lệnh và thỏa thuận) năm 2024 trên sàn HOSE đạt xấp xỉ 4,6 triệu tỷ đồng, bình quân phiên đạt khoảng 18.600 tỷ đồng. Thanh khoản tăng cao vào đầu năm song yếu dần về những tháng cuối năm. Giá trị giao dịch bình quân phiên các tháng 9 -12/2024 đạt quanh 15.000 tỷ đồng.
Về nhà đầu tư nước ngoài, họ chỉ mua ròng vào tháng đầu tiên và bán ròng suốt 11 tháng còn lại năm 2024, tạo ra một năm rút ròng kỷ lục. Tổng giá trị bán ròng trên sàn HOSE đạt hơn 90.000 tỷ đồng. Áp lực bán mạnh nhất rơi vào các tháng 5, 6 và 11/2024.
Quy mô rút ròng trên sàn HNX tạm ước tính là 1.063 tỷ đồng, trong khi thị trường UPCoM là 1.069 tỷ đồng. Nếu xét trên quy mô vốn hóa, Việt Nam là thị trường bị rút ròng mạnh nhất trong khu vực ASEAN.
Theo các nhà phân tích, động thái bán ròng của khối ngoại đến từ nhiều nguyên nhân như áp lực tỷ giá USD so với VND lên cao, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, AI, định giá chưa thực sự hấp dẫn trong khu vực, hay việc thị trường Việt Nam lỡ hẹn nâng hạng lên mới nổi...