‘Tôi quay lại sàn chứng khoán sau 2 năm cắt lỗ, xóa app’

Sau quãng nghỉ hai năm, anh Trần Đ. Sự liên hệ nhân viên môi giới chứng khoán để tìm kiếm "ba chữ cái".

Cú lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022, không riêng anh Sự, nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh thua lỗ, trong tâm lý bi quan sau một thời gian dài mua trung bình giá xuống. Nếu như trong hai năm 2020 - 2021, chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh và lập đỉnh lịch sử, chỉ số bất ngờ lao dốc trong 2022.

VN-Index giảm hơn 30% so với 2021 cùng hàng loạt cổ phiếu giảm sâu, có mã mất giá đến 60 - 80%, dẫn đến hầu hết nhà đầu tư gặp lỗ nặng. Tâm lý bi quan bao trùm thị trường. 

"Tôi đi làm ngành công nghệ thông tin sau vài năm cùng vợ có tích cóp được phần vốn. Thấy nhiều đồng nghiệp bàn tán việc mua bán cổ phiếu dễ có lời, nên tôi tham gia đầu tư từ cuối năm 2020.

Qua năm 2022 thị trường lao dốc, đến tháng 9 danh mục tôi 5 mã đều đỏ với mức lỗ trung bình 40% - 50%. Hỏi môi giới (nhân viên tư vấn của công ty chứng khoán) bao giờ hồi phục thì chỉ nghe được thị trường đang nhiều tin xấu, và khuyên nắm giữ thêm.

Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng lỗ nặng khi ôm cổ phiếu ở mức giá cao. Lúc đi làm anh em đều mang tâm trạng sầu não, thi thoảng nhìn điện thoại rồi... thở dài. Vốn tích cóp hao hụt khiến vợ chồng tôi cãi cọ. Cuối cùng, tôi quyết định bán cắt lỗ, xóa app cho nhẹ đầu, tập trung vào công việc, cuộc sống”, anh Sự kể lại.

Trường hợp của anh Sự không phải hiếm. Thị trường kém sức hút, thanh khoản giao dịch duy trì thấp trong cuối năm 2022. Số lượng tài khoản mở mới (chủ yếu là cá nhân trong nước) giảm hẳn so với đầu năm.

Với tâm lý chán nản, tiêu cực, một số nhà đầu tư còn hùa nhau cùng xóa app (ứng dụng theo dõi và giao dịch cổ phiếu trên điện thoại thông minh) với tâm lý “mắt không thấy, tim không đau”, hay tuyên bố rời bỏ thị trường không hẹn ngày trở lại. 

Nhà đầu tư cá nhân quay lại sàn chứng khoán sau gần 2 năm cắt lỗ, xóa app. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Tuy nhiên, như chu kỳ thủy triều xuống rồi lại lên, câu chuyện đầu tư đã xoay vần nhanh chóng. Hiện tại, môi trường lãi suất thấp, bất động sản chưa hồi phục, hoạt động kinh doanh kém sắc khiến cổ phiếu lại thành kênh hút vốn.

Số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng cao trở lại từ giữa 2023 đến nay. Dòng tiền liên tục đổ vào thị trường, bất chấp lượng rút ra của khối ngoại. Những phiên giao dịch tỷ đô ngày càng thường xuyên xuất hiện, giống như giai đoạn cuối 2021 đến đầu 2022. Hàng loạt cổ phiếu đến nay (tháng 3/2024) đã tăng đáng kể, thậm chí gấp 2 - 4 lần so với đáy vào cuối 2022.

Thay đổi số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân trong nước qua từng tháng (tháng 10-11/2023 giảm do đóng lượng lớn tài khoản không kích hoạt). Nguồn: X.N tổng hợp từ VSDC.

Không chỉ các cá nhân mới tham gia, dòng tiền còn đến từ nhóm nhà đầu tư cũ từng “chia tay” cách đây 2 năm. Nhân viên môi giới nhiều công ty chứng khoán cho biết nhiều khách hàng cũ ngừng giao dịch từ cuối 2022 đã bắt đầu nạp tiền, liên hệ tư vấn và mua bán cổ phiếu trở lại.

“Giờ gửi tiền ngân hàng thì lãi suất quá thấp chỉ 3-5%. Sau bài học của giai đoạn trước, tôi quyết định quay lại đầu tư”, anh Trần Đ. Sự chia sẻ.

 Ông Trần Xuân Bách. Ảnh: NVCC.

Bàn luận câu chuyện này, ông Trần Xuân Bách, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhận định, hiện tượng quay lại của các nhà đầu tư cá nhân đã từng rời bỏ thị trường vào năm 2022 phần nào cho thấy mức độ hấp dẫn của TTCK trong giai đoạn vừa qua cũng như triển vọng tích cực trong thời gian tới.

Tiềm năng của thị trường không chỉ đến từ các yếu tố nội tại như môi trường lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng tích cực, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ… mà còn đến từ triển vọng nâng hạng thị trường trong các năm tới.

Bên cạnh đó, sau giai đoạn tăng trưởng kéo dài của thị trường kể từ khi tạo đáy dài hạn vào cuối năm 2022 đến nay, rất nhiều ngành đã có mức hồi phục mạnh từ đáy, thậm chí nhiều cổ phiếu đã quay lại vượt hoặc vượt đỉnh năm 2022.

Điều này giúp cho danh mục của các nhà đầu tư bị “kẹp hàng” ở các vùng giá cao giảm thiểu được mức thua lỗ hoặc có cơ hội hòa vốn.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC, chỉ ra 2022 là năm khốc liệt chưa từng có đối với TTCK Việt Nam. Mức độ thiệt hại của nhà đầu tư trên một quy mô lớn và rộng hơn rất nhiều so với gian đoạn 2007 - 2008 khi thời điểm đó quy mô và thanh khoản thị trường còn tương đối nhỏ.

2020 - 2022 cũng là giai đoạn chứng kiến nhà đầu tư mới kỷ lục tham gia vào thị trường với tên hay thường được gọi, nhà đầu tư F0. Làn sóng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) và khi thị trường lao dốc, nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng, nhà đầu tư tham gia bằng margin hoặc vay các “kho” chứng khoán thậm chí mất trắng. Do đó nhiều nhà đầu tư phải rời bỏ thị trường trong thua lỗ.

Đến thời điểm hiện tại, thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi nhất định với động lực chính là chính sách tiền tệ nới lỏng - lãi suất thấp kỷ lục kèm kỳ vọng nâng hạng thị trường trong tương lai gần. Điều này ít nhiều kéo nhiều nhà đầu tư cá nhân trở lại thị trường.

Mặc dù vậy, cũng khó có thể có làn sóng F0 mạnh mẽ như giai đoạn 2020 - 2022 một lần nữa, khi nền kinh tế vẫn còn khá yếu, sức mua và thu nhập khả dụng của nhiều người dân giảm đi. Bằng chứng rõ ràng cho thấy tâm lý chưa hẳn đã cải thiện rõ rệt là tiền gửi trong hệ thống ngân hàng vẫn liên tiếp lập kỷ lục mới.

 Ông Bùi Văn Huy. ẢNh: NVCC.

Ông Huy nhận định làn sóng FOMO như trong giai đoạn 2020 - 2022 khó lặp lại, do đó trong thời gian gần đây, các cổ phiếu tăng giá cũng rất phân hóa và thường các nhóm ngành tăng điểm phải mang trong mình một động lực riêng.

Không có hiện tượng “nước lên, thuyền lên”, mua mã nào cũng lãi như sóng F0 giai đoạn 2020 - 2022. Nhà đầu tư do đó cần trang bị kiến thức để xây dựng danh mục, lựa chọn nhóm ngành, cổ phiếu và quan trọng nhất là kỹ năng quản trị rủi ro. Để khi có tình huống xấu, câu chuyện lỗ cháy tài khoản, rời bỏ thị trường không lặp lại như năm 2022.

Ông Trần Xuân Bách cũng khuyên các nhà đầu tư cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm mình đã gặp phải trong năm 2022. Khi môi trường vĩ mô, chính sách tiền tệ có sự thay đổi, định giá của thị trường ở mức cao thì cần phải quản trị rủi ro thật kỹ lưỡng cho danh mục đầu tư của mình.

Triển vọng thị trường năm 2024 được đánh giá tích cực nhưng bối cảnh năm nay đã có nhiều sự khác biệt so với quá khứ, dòng tiền có xu hướng tìm đến các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận và có câu chuyện tạo kỳ vọng.

Các nhà đầu tư mới nên xem xét lựa chọn một danh mục đầu tư gồm các cổ phiếu đáp ứng được các tiêu chí trên để thực hiện mua và nắm giữ, kết hợp với các hoạt động giao dịch ngắn hạn để tối ưu hóa cho danh mục đầu tư.

CÙNG CHUYÊN MỤC