Triển vọng nào đối với cổ phiếu khai thác khoáng sản?
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 26/12/2024 14:36
- Xuân Nghĩa
Cổ phiếu KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP đã tăng 192%, tức gần gấp 3 lần qua 1 tháng, lên trên 130.000 đồng/cp vào sáng 26/12. Khối lượng khớp lệnh bình quân phiên khoảng 77.000 cp.
Hay cổ phiếu MTA của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh - CTCP đã tăng 151%, (gấp 2,5 lần) qua một tháng, lên 11.300 đồng/cp vào phiên sáng 26/12. Khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 96.000 cp.
Cũng ghi nhận tăng giá đáng kể một tháng qua còn có CTCP khoáng Sản và Luyện Kim Cao Bằng (Mã: KCB) (90%), CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (Mã: HGM) (56%), CTCP Khoáng sản Bắc Kạn (Mã: BKC) (40%), CTCP Khoáng sản Bình Định (Mã: BMC) (23%), CTCP Khoáng sản FECON (Mã: FCM) (12%), CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB) (11%)…
Nhóm vốn hóa đầu ngành tăng giá ít hơn. KSB của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương và DHA của CTCP Hóa An tăng 6% và 10% qua 1 tháng. Thanh khoản KSB và DHA chỉ mới khởi sắc trong hai phiên gần nhất.
Nhịp đi lên của nhóm ngành khai thác khoáng sản đặt chung trong sự khởi sắc của ngành đầu tư công (vật liệu xây dựng, hạ tầng, xây dựng). Song tổng quan, chỉ có nhóm cổ phiếu khai thác khoáng sản (chủ yếu là mỏ đá, quặng) ghi nhận vượt trội hơn cả.
Theo báo cáo chiến lược đầu tư mới đây của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), trong năm 2024, ước tính vốn đầu tư khu vực Nhà nước đạt 657.000 tỷ đồng, với mục tiêu giải ngân 95%. Trong đó, các dự án tiêu biểu có thể kể đến với các dự án Dự án Vành đai 3, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đang được Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương tập trung thúc đẩy. Trong tháng 11, ước tính số vốn thực hiện đạt 75.900 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 11 tháng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước đạt khoảng 572.000 tỷ đồng, bằng 73,5% kế hoạch năm, tăng 2,4% so với cùng kỳ (trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt 76,3% kế hoạch và tăng 24,3%).
Như vậy, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 7.300 tỷ đồng (của 21 bộ, cơ quan và 20 địa phương), vốn cân đối ngân sách địa phương là 21.800 tỷ đồng (của 24 địa phương).
Với riêng lĩnh vực khai thác đá, các nhà phân tích cho biết nhu cầu sử dụng đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công là rất lớn. Theo Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu về đá xây dựng cho các công trình hạ tầng trong giai đoạn 2023-2025 rơi vào khoảng 21,5 triệu m3 (tăng 38 % giai đoạn 2016-2021).
Nhu cầu đá cho các dự án lớn kể đến như sân bay Long Thành (2,05 triệu m3), đường vành đai 3 (5,2 triệu m3). Nguồn cung đá xây dựng có cơ chế riêng đối với các dự án cao tốc Bắc Nam.
Theo TPS, đá là ngành chi phí vận chuyển ảnh hưởng rất lớn đối với sản phẩm đầu ra. Do vậy các công ty có mỏ đá gần vị trí các dự án sẽ được hưởng lợi. Mỏ đá xây dựng Tân Cang là nguồn cung chính cho dự án Sân bay Long Thành, Vành đai 3 và các dự án khác khu vực miền Đông Nam Bộ.
Có 9 mỏ đá ở khu vực Tân Cang, bao gồm các công ty niêm yết như Hóa An và Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung vào việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, với mục tiêu đạt trên 95 % kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam bộ.
Với việc các dự án ở phía Nam trong năm nay có được sự quan tâm, các doanh nghiệp ngành đá xây dựng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện so với năm 2023 nhờ vào lợi thế về địa lý cũng như nhu cầu tăng.
Tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp khai thác đá tương đối phân hóa. Điểm qua về tình kinh doanh của 6 doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu (theo TPS lựa chọn) trong 9 tháng đầu năm, có hai doanh nghiệp báo lỗ, hai doanh nghiệp giảm lãi và hai doanh nghiệp tăng lãi.