VinSpeed nhận thêm vốn từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Công ty làm đường sắt cao tốc đã nhận tổng cộng 135,6 triệu cổ phiếu VIC từ ông Phạm Nhật Vượng, giá trị thị trường lượng cổ phiếu này hiện hơn 12.000 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed mới thông báo đã nhận chuyển nhượng 87,56 triệu cổ phiếu Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) vòa ngày 27/6, tương đương với 2,26% vốn điều lệ tập đoàn. 

Người chuyển nhượng lượng cổ phần trên là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup. Giao dịch được thực hiện thông qua chuyển quyền sở hữu tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam. 

Như vậy, tỷ lệ sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giảm từ gần 537,5 triệu cổ phiếu (tương đương 13,86%) xuống còn khoảng 450 triệu cổ phiếu (tương ứng 11,6% vốn điều lệ).   

Đây không phải lần đầu ông Vượng chuyển nhượng cổ phần. Trước đó, vào ngày 10/6/2025, ông cũng đã chuyển giao 48 triệu cổ phiếu VIC cho VinSpeed.

Tổng số lượng mà VinSpeed nhận chuyển nhượng sau hai đợt là hơn 135,6 triệu cổ phiếu VIC, qua đó đang nắm giữ khoảng 3,5% vốn điều lệ của tập đoàn. 

Cổ phiếu VIC của Vingroup tăng mạnh gần đây từ mức 58.000 đồng/cổ phiếu lên trên 91.900 đồng/cổ phiếu như hiện tại, tăng khoảng 60% trong 3 tháng vừa qua. Vingroup hiện có vốn hóa hơn 351.000 tỷ đồng (khoảng hơn 13 tỷ USD). Số cổ phần VIC mà VinSpeed nắm giữ có giá trị thị trường khoảng 12.500 tỷ đồng. 

Vinspeed được thành lập vào tháng 5/2025. Doanh nghiệp có trụ sở tại tòa nhà Symphony, thuộc khu đô thị Vinhomes Riverside (Hà Nội), hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng các công trình đường sắt. Tổng giám đốc hiện là ông Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1984).

Vốn điều lệ ban đầu 6.000 tỷ đồng, trong đó tỷ phú Phạm Nhật Vượng đóng góp lớn nhất với 51% cổ phần. Tiếp đến là ập đoàn Đầu tư Việt Nam góp 35% cổ phần, Tập đoàn Vingroup sở hữu 10%, Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Thúy Hằng có 3% cổ phần và 2 cá nhân khác sở hữu 1% còn lại. 

VinSpeed hồi tháng 5 gây chú ý khi đề xuất làm chủ đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam - một dự án quốc gia có tổng mức đầu tư khoảng 61 tỷ USD (chưa bao gồm giải phóng mặt bằng và tái định cư). 

Công ty cam kết thu xếp 20% tổng vốn đầu tư bằng nguồn lực tự có, tương đương khoảng 312.330 tỷ đồng (hơn 12,27 tỷ USD). Phần 80% còn lại đề xuất vay từ ngân sách nhà nước, với điều kiện không tính lãi suất.

Ngoài dự án trên, tập đoàn Vingroup cũng đang có kế hoạch riêng trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao. Tập đoàn này gửi đề xuất về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Phú Mỹ Hưng - Cần Giờ ở TP HCM và tuyến Hà Nội - Quảng Ninh.