Cận cảnh ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam tại TP HCM theo quy hoạch Hạ tầng 07/11/2024 06:40 Hải Quân Ga Thủ Thiêm sẽ là nơi hội tụ của nhiều tuyến đường sắt, trong đó có đường sắt cao tốc Bắc Nam. Vị trí quy hoạch ga đường sắt Thủ Thiêm thể hiện trên bản đồ Google vệ tinh. Ga đường sắt Thủ Thiêm được quy hoạch nằm tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Ví trí này nằm cạnh các tuyến đường lớn như đại lộ Mai Chí Thọ, đường Đồng Văn Cống và đường Lương Định Của và cao tốc TP HCM - Long Thành. Cách ga Thủ Thiêm không xa là nút giao An Phú hiện đang được thi công xây dựng, đây được xem là nút giao lớn nhất của TP HCM, với tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng. Theo quy hoạch, ga Thủ Thiêm có diện tích khoảng 17 ha. Nhà ga này được quy hoạch sẽ phục vụ ba tuyến đường sắt lớn bao gồm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và metro Bến Thành - Thủ Thiêm. Đây cũng là nhà ga cuối cùng của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo ghi nhận của người chụp, hiện tại khu vực này phần lớn đều là đất trống, xung quanh được quây hàng rào, song vẫn còn một số nhà tạm của người dân nằm bên ven khuôn viên quy hoạch ga Thủ Thiêm. Một số nhà dân tạm bên trong khu vực quy hoạch ga Thủ Thiêm. Xung quanh dự án được quây tôn. Về tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP HCM, đoạn qua địa bàn thành phố dài 13 km. Hướng tuyến sau khi vượt sông Đồng Nai về phía hạ lưu cầu Long Thành của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đi vào địa phận TP HCM. Tuyến dự kiến sẽ chạy qua các nút giao vành đai 3, đường Nguyễn Duy Trinh, đường Vành đai 2, đường Đỗ Xuân Hợp, nút giao An Phú và về ga Thủ Thiêm. Sở GTVT TP HCM cũng đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu kỹ các phương án thiết kế nhằm tối ưu hóa kết nối giao thông tại những điểm giao thông quan trọng này. Đồng thời, Sở cũng đề xuất Bộ GTVT tập trung quy hoạch ga Thủ Thiêm trở thành ga trung tâm cho cả đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, đảm bảo đồng bộ với tuyến metro Bến Thành - Thủ Thiêm. Về tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, thông tin từ Báo Xây dựng, theo phương án đề xuất, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài gần 42 km. Trong đó, đoạn qua TP HCM dài hơn 11,7km, qua Đồng Nai dài hơn 30 km. Dự án này được kiến nghị sẽ thực hiện theo loại hình đường sắt vận chuyển nhanh (RRT/MRT). Về hướng tuyến, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đưa ra phương án: Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành bắt đầu từ ga Thủ Thiêm còn ga cuối là ở sân bay quốc tế Long Thành. Trên toàn tuyến, sẽ xây dựng 20 nhà ga, bao gồm 16 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong tổng số 20 nhà ga, có 12 ga thuộc địa bàn Đồng Nai, gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Sơ bộ tổng mức đầu tư gần 85.000 tỷ đồng (tương đương hơn 3,4 tỷ USD, không bao gồm lãi vay). Dự kiến, thời gian khởi công dự án là trong năm 2026, hoàn thiện đưa vào khai thác vào năm 2030. Trên ảnh là đường Mai Chí Thọ đi qua khu vực sẽ làm ga Thủ Thiêm. Về đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dự án này dự kiến được đầu tư đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h; chiều dài khoảng 1.541 km, đi qua 20 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM. Trên toàn tuyến dự kiến bố trí 26 ga, trong đó 23 ga hành khách, 3 ga chuyên về hàng hóa. Theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra; khởi công cuối năm 2027; dự kiến hoàn thành toàn tuyến năm 2035. Theo phương án được tư vấn nghiên cứ đề xuất, tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD. Về metro Bến Thành - Thủ Thiêm giai đoạn 2, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 9,1 km (4,2 km đi ngầm và 4,9 km đi trên cao). Số lượng ga là 9 ga (6 ga ngầm và 3 ga trên cao). Tổng mức đầu tư vào khoảng 1,5 tỷ USD. Từ vị trí ga Thủ Thiêm, hành khách có thể di chuyển dễ dàng vào các khu vực nội thành TP HCM như khu đô thị Thủ Thiêm, quận 1, quận Bình Thạnh... Nằm đối diện khu vực quy hoạch ha Thủ Thiêm là các tòa nhà của chung cư The Sun Avenue của chủ đầu tư là Tập đoàn Novaland.