CEO Techcom Capital: ‘Quản lý gia sản không phải là dịch vụ chỉ dành riêng cho giới siêu giàu’
- 07/11/2024 07:25
- Diệp Bình
Ngành quản lý gia sản (Wealth Management) tại Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong 5-10 năm tới theo sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tạo nhu cầu lớn cho các dịch vụ quản lý tài sản chuyên nghiệp.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ tài chính như Wealth-tech, các giải pháp như Robo-Advisor giúp cá nhân hóa đầu tư, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn cho cả tầng lớp trung lưu lẫn người giàu.
Thực tế, mỗi ngày chúng ta đang được nghe câu hỏi quen thuộc từ những người xung quanh: “Làm thế nào để gia tăng tài sản với lợi nhuận tốt hơn gửi ngân hàng mà vẫn đảm bảo tính bền vững?” Thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây lại là một câu hỏi đầy thách thức đối với đa số công chúng, đặc biệt là những người chưa có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức tài chính.
Để hiểu rõ về câu chuyện của ngành này, chúng tôi có buổi trò chuyện với ông Phí Tuấn Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital), một trong những công ty quản lý quỹ nội lâu đời nhất tại Việt Nam với danh mục ủy thác đầu tư AUM khoảng 12.500 tỷ đồng, chiếm 25% thị phần các quỹ mở nội địa xét theo tổng giá trị tài sản quản lý.
PV: Dịch vụ quản lý gia sản đã phát triển rất mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng tại Việt Nam thì vẫn còn rất mới mẻ. Theo ông đâu là điểm khác biệt của thị trường quản lý gia sản tại Việt Nam so với các nước khác? Sự khác biệt này phải chăng đến từ quan điểm đầu tư của người dân Việt Nam?
ÔNG PHÍ TUẤN THÀNH: Người Việt thường ưa chuộng các tài sản truyền thống như bất động sản hay vàng, thay vì các sản phẩm tài chính phức tạp, dẫn đến nhu cầu đối với dịch vụ quản lý tài sản còn hạn chế. Báo cáo gần đây của Knight Frank cho thấy 72% nhà đầu tư giàu có tại Việt Nam vẫn ưu tiên bất động sản là hình thức đầu tư chính của họ, chỉ một phần nhỏ quan tâm đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư vào các quỹ đầu tư, cổ phiếu hoặc trái phiếu.
Theo kết quả khảo sát gần đây của BCG, hơn 50% lượng người Việt trung lưu tham gia khảo sát cảm thấy rằng các dịch vụ quản lý tài sản chỉ dành cho những người siêu giàu.
Tôi cho rằng báo cáo này phản ánh một thực tế cần thời gian để thay đổi. Đó là việc nhà đầu tư chưa có thông tin cần thiết về dịch vụ quản lý gia sản và chưa đủ niềm tin vào những sản phẩm tài chính mới trên thị trường.
Hiện nay, các ngân hàng, công ty quản lý quỹ và các nền tảng fintech ngày càng cung cấp nhiều hơn các dịch vụ này cho các cá nhân có mức tài sản trung bình, tạo cơ hội cho nhiều người nhận được các dịch vụ quản lý tài sản chuyên nghiệp hơn.
Ngành quản lý gia sản của Việt Nam đang phát triển, nhưng số lượng các quỹ đầu tư vẫn còn khiêm tốn. Hiện tại có khoảng hơn 100 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là con số nhỏ so với các thị trường phát triển, hạn chế sự lựa chọn dành cho các khách hàng quản lý tài sản.
PV: Với vai trò là một công ty cung cấp dịch vụ quản lý gia sản có quy mô lớn trên thị trường hiện nay, ông cho rằng sự khác biệt của thị trường Việt Nam sẽ là ưu điểm hay nhược điểm cho việc cung cấp các sản phẩm về quản lý gia sản?
ÔNG PHÍ TUẤN THÀNH: Sự khác biệt này sẽ vừa là ưu điểm cũng vừa là nhược điểm tùy thuộc vào cách mà các công ty quản lý tận dụng và điều chỉnh theo môi trường địa phương.
Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và người giàu tạo ra một cơ hội lớn, một thị trường tiềm năng cho các công ty quản lý gia sản. Nhu cầu về dịch vụ này đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh người dân ngày càng quan tâm đến việc bảo toàn và gia tăng tài sản.
Thị trường còn non trẻ cũng tạo cơ hội để sáng tạo sản phẩm, cho phép các công ty dễ dàng đổi mới và phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu cụ thể của khách hàng Việt Nam, từ quản lý tài sản truyền thống đến các sản phẩm tài chính hiện đại.
Thị trường Việt Nam chưa có nhiều công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mới gia nhập và thiết lập vị thế thị trường. Tuy nhiên, nhược điểm sẽ là việc thiếu niềm tin, nhận thức và rào cản văn hoá. Người dân vẫn chưa được tiếp cận nhiều với kiến thức về quản lý tài sản, dẫn đến sự dè dặt trong việc sử dụng dịch vụ, cùng với quan điểm đầu tư truyền thống có thể gây khó khăn cho việc thuyết phục khách hàng chuyển đổi sang các sản phẩm đầu tư phức tạp hơn.
Ngoài ra, thị trường còn cần nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý trong việc tạo ra các cơ chế khuyến khích cho các sản phẩm đầu tư và xây dựng hạ tầng pháp lý thúc đẩy sự phát triển của ngành quản lý quỹ.
Kinh nghiệm phát triển ngành quỹ ở các nước trên thế giới cho thấy, ưu đãi thuế là công cụ trọng yếu được nhà quản lý sử dụng để tạo động lực phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán. Ngay ở các thị trường có ngành quỹ phát triển như Singapore, Hong Kong, Malaysia,…, các quỹ được miễn thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, các nhà đầu tư tham gia vào quỹ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản lợi tức nhận được từ quỹ. Trong khi đó, hệ thống thuế của Việt Nam chưa có nhiều ưu đãi thuế để phát triển ngành quản lý quỹ.
PV: Các nhà đầu tư tìm đến chứng chỉ quỹ như là một giải pháp gia tăng tài sản vững chắc trong dài hạn, tuy nhiên, giá các loại tài sản như trái phiếu và cổ phiếu có độ rủi ro và biến động cao, vậy làm thế nào để các quỹ tối ưu hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư? Đặc biệt, trong những giai đoạn thị trường đi xuống, nhà đầu tư nên làm gì để bảo vệ tài sản? Các quỹ sẽ áp dụng biện pháp gì để giảm thiểu rủi ro?
ÔNG PHÍ TUẤN THÀNH: Trên thực tế, đầu tư vào thị trường Việt Nam không dễ dàng và không phải nhà đầu tư nào cũng đạt được lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, cũng có nhiều quỹ đã tồn tại lâu và đạt được thành công với mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Điều này cho thấy dù độ khó cao, tiềm năng trên thị trường chứng khoán Việt Nam là rất lớn.
Tại Techcom Capital, chúng tôi sử dụng đội ngũ chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm và nền tảng phân tích dữ liệu để ưu tiên lựa chọn những loại tài sản tốt và an toàn trên thị trường. Tiếp đó là thực hiện các biện pháp đa dạng hóa tài sản nhằm tránh rủi ro tập trung từ một số cổ phiếu, hay trái phiếu nhất định.
Cuối cùng, chúng tôi cũng tập trung vào việc hợp tác với những đối tác uy tín để giảm thiểu rủi ro của khách hàng.
Có một thực tế là đầu tư luôn tiềm ẩn rủi ro nên dù có lựa chọn được cổ phiếu, trái phiếu tốt vẫn không thể tránh khỏi áp lực khi thị trường xảy ra điều chỉnh, nhất là trong các giai đoạn điều chỉnh kéo dài.
Tuy nhiên, trong dài hạn, xu hướng chung của các loại tài sản như trái phiếu, cổ phiếu là tăng trưởng, nhất là tại Việt Nam, một quốc gia vẫn đang trong thời kỳ phát triển cao. Lợi nhuận trung bình của các loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu có thể cao hơn nhiều so với các hình thức truyền thống như gửi tiết kiệm ngân hàng.
Vì vậy, giải pháp tốt nhất cho nhà đầu tư để tránh được các rủi ro biến động ngắn hạn là đều đặn mua vào tài sản đầu tư và nắm giữ trong thời gian dài.
PV: Vậy làm thế nào các quỹ có thể tạo dựng niềm tin để khách hàng sẵn sàng ủy thác tài sản tích lũy của mình?
ÔNG PHÍ TUẤN THÀNH: Để thuyết phục khách hàng ủy thác tiền cho mình, các quỹ đầu tư cần làm được ba điều.
Đầu tiên đó là minh bạch thông tin. Các quỹ đầu tư khi hoạt động phải luôn tuân thủ quy định chặt chẽ của luật pháp và các quy định hiện hành khác, thậm chí còn phải áp dụng các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế. Các thông tin về điều lệ quỹ, chiến lược đầu tư, những bên liên quan, số liệu hiệu quả đầu tư đã được kiểm chứng qua thời gian,… cũng cần được công khai minh bạch để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin về hoạt động của quỹ trước khi ra quyết định đầu tư.
Thứ hai, cần tăng cường phổ cập kiến thức và gia tăng nhận thức về đầu tư, quản lý gia sản cho mọi người.
Thứ ba là đa dạng giải pháp đầu tư cho các đối tượng khách hàng khác nhau. Các công ty quản lý quỹ cần đưa ra nhiều sản phẩm đầu tư phù hợp tuỳ vào nhu cầu và khẩu vị của khách hàng như trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, quỹ cân bằng, quỹ theo chủ đề… kết hợp với công nghệ để đưa ra nhiều giải pháp cho nhà đầu tư.
Tóm lại, tôi cho rằng để thuyết phục được các nhà đầu tư ủy thác tài sản cho mình, các quỹ cần không chỉ cần chứng minh được hiệu quả mà còn cần xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tin cậy và minh bạch trong quản lý tài chính.
PV: Một vấn đề khác mà các nhà đầu quan tâm đó là tính thanh khoản và khả năng rút vốn khi cần, cũng như lo ngại các loại phí cao. Vậy các Quỹ hiện nay có đảm bảo được tính thanh khoản cao và chi phí quản lý ở mức hợp lý không?
ÔNG PHÍ TUẤN THÀNH: Các sản phẩm quỹ có thể có tính thanh khoản khác nhau, tùy vào cơ chế, điều khoản hoạt động. Một số quỹ có thể áp dụng giới hạn về thời gian rút vốn hoặc giới hạn số lần rút trong năm, điều này làm giảm tính thanh khoản trong một số trường hợp nhất định.
Một số quỹ khác, trong một số điều kiện về thị trường, có thể áp dụng việc mua lại từng phần đối với các chứng chỉ quỹ bán ra để có thể linh hoạt cân đối được nguồn tiền và cơ cấu lại danh mục nhằm mang đến lợi ích tốt nhất cho các nhà đầu tư của Quỹ.
Nhà đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu dòng tiền của mình, nên xem xét kỹ lưỡng các điều kiện về rút vốn của từng Quỹ mở trước khi quyết định tham gia đầu tư.
Đối với Techcom Capital, các quỹ mở do chúng tôi quản lý hiện đang cung cấp giải pháp rút vốn hàng ngày, mang lại sự tiện lợi và linh hoạt tối đa cho nhà đầu tư. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư có nhu cầu rút vốn thường xuyên.
Trong điều kiện thị trường ổn định, chúng tôi tự tin rằng các quỹ của Techcom Capital nằm trong số các quỹ có tính thanh khoản tốt nhất thị trường.
Việc mua lại chứng chỉ quỹ theo cơ chế phân bổ bình đẳng, công bằng giữa các nhà đầu tư có nhu cầu bán chứng chỉ quỹ sẽ giúp các Quỹ có thêm được sự linh hoạt và thời gian chủ động để cân đối tài sản và nguồn tiền của quỹ.
Bên cạnh tính thanh khoản, chi phí cho các quỹ cũng là yếu tố mà nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng. Với một số quỹ, thì việc có nhiều loại phí như phí giao dịch, phí quản lý, phí rút vốn, thuế,... có thể khiến lợi nhuận thực tế thấp hơn đáng kể so dự kiến của khách hàng.
Việc bỏ ra một chi phí hợp lý để tham gia vào một sản phẩm đầu tư như quỹ mở với tính thanh khoản cũng như lợi suất ổn định là yếu tố nhà đầu tư cần xem xét thay vì chỉ nhìn vào mức phí như một yếu tố riêng rẽ.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!