Cổ phiếu Viettel đồng loạt đỏ lửa

Nối dài xu hướng đi xuống từ đầu năm, cổ phiếu VGI, VTP, VTR, VTK giảm sâu trong sáng 31/3.

Cổ phiếu Viettel Global (VGI) giảm ngay khi mở cửa phiên 31/3. Thị giá chạm thấp nhất 70.900 đồng/cp lúc gần 10h, sau đó hồi phục lên 71.500 đồng, kết thúc phiên sáng giảm 4,7%.

Khối lượng khớp lệnh đạt gần 550.000 đơn vị, gần gấp đôi phiên trước, tập trung lúc cổ phiếu giảm về đáy phiên sáng (trước 10h). So với đỉnh gần nhất 95.900 đồng/cp lập vào tháng 12/2024, thị giá đã giảm 25%, tương đương giảm 20.900 đồng.

Vốn hoá thị trường theo đó giảm mạnh 74.268 tỷ đồng (xấp xỉ 3 tỷ USD) chỉ trong hơn 3 tháng. Còn nếu so với đỉnh lịch sử 111.000 đồng/cp lập vào tháng 6 năm trước, VGI đã giảm 36%.

Diễn biến cổ phiếu VGI từ 2023 đến 13h40 phiên 31/3. (Biểu đồ: TradingView).

VTP của Viettel Post cũng lao dốc 4,3% trong phiên sáng, có lúc giảm gần 4,8%. Trong “họ Viettel”, các đại diện khác như CTR (Viettel Construction), VTK (Tư Vấn Và Dịch Vụ Viettel) cũng giảm 2,2 - 2,3%.

Trước đó, nhóm Viettel đã tăng phi mã từ cuối 2023 đến khi đạt đỉnh vào giữa 2024. Riêng VTP vẫn tăng cho đến gần hết tháng 1/2025, dường như do được hỗ trợ bởi thông tin Viettel Post (Mã: VTP) chính thức vận hành Công viên logistics Lạng Sơn vào tháng 12/2024.

Từ sau Tết Nguyên đán (từ đầu tháng 2), nhóm này gần như giảm liên tục. Tính trong gần hai tháng (đến sáng 31/3), VGI, VTP, CTR, VTK đã giảm lần lượt 21%, 22%, 24%, 20%.

Cú lao dốc nêu trên có sự đồng pha với nhóm viễn thông/dịch vụ viễn thông (với các đại diện khác như MFS, ABC, FOC, FOX…) hay nhóm công nghệ (FPT, CMG, ELC…). Ví dụ, CMG và FPT đã giảm 18% và 20% trong cùng thời gian.

Tại phân tích mới đây của Pyn Elite Fund, dù các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vẫn giữ được triển vọng dài hạn nhờ làn sóng chuyển đổi số, nhưng trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu này đang đối mặt với nhiều thách thức.

Áp lực cạnh tranh gia tăng, chi phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) lớn, cùng với những biến động từ thị trường toàn cầu có thể tác động mạnh đến hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, dòng vốn đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ có thể suy giảm đáng kể.

Pyn Elite Fund cũng đã hoàn toàn thoái vốn khỏi FPT và CMG do định giá hiện tại đã vượt quá tiềm năng tăng trưởng thực tế.

Ở lĩnh vực viễn thông, tại báo cáo doanh nghiệp cập nhật cuối tháng 2, SHS kỳ vọng Viettel Construction tận dụng hiệu quả xu hướng tăng trưởng của nhu cầu dữ liệu di động tại Việt Nam, sự mở rộng lĩnh vực cho thuê hạ tầng (TowerCo) trong bối cảnh cuộc cách mạng 5G đang diễn ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng cảnh báo về một số rủi ro tiềm ẩn. Thứ nhất là tỷ lệ cho thuê chung không đạt kỳ vọng và tiến độ xây dựng BTS (Base Transceiver Station, là một trạm thu phát sóng di động được sử dụng trong hệ thống mạng viễn thông bởi các nhà cung cấp dịch vụ) bị chậm, doanh thu và biên lợi nhuận của Viettel Construction có thể bị ảnh hưởng.

Thứ hai là việc triển khai thương mại hóa 5G chậm trễ có thể làm gián đoạn kế hoạch mở rộng hạ tầng của Viettel Construction. Thứ ba là lạm phát làm tăng chi phí nguyên vật liệu, thiết bị và nhân công, thu hẹp biên lợi nhuận và ảnh hưởng đến khả năng mở rộng hệ thống trạm BTS.

Cuối cùng là rủi ro nợ xấu chủ yếu đến từ khách hàng B2B của mảng xây lắp.

CÙNG CHUYÊN MỤC