Gần 1,7 tỷ USD vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam

Diễn biến phục hồi của VN-Index không đủ hấp dẫn để giữ chân dòng vốn ngoại, khi yếu tố tỷ giá và kỳ vọng lợi suất tại các thị trường khác thúc đẩy đà rút ròng.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, VN-Index ghi nhận mức tăng khoảng 110 điểm, tương ứng với tỷ lệ tăng 8,6%, bất chấp giai đoạn biến động mạnh do yếu tố thuế quan quốc tế. Kết thúc tháng 6, chỉ số này đạt mốc 1.376 điểm – tăng 3,3% so với cuối tháng 5 và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Thị trường từng đối mặt với đợt điều chỉnh sâu vào đầu tháng 4 sau thông tin về chính sách áp thuế đáp trả từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Áp lực bán lan rộng khiến VN-Index lao dốc, mất tới 17% giá trị và xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm, buộc nhiều tổ chức phân tích trong nước điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng cho cả năm.

Tuy nhiên, xu hướng phục hồi đã quay trở lại trong hai tháng gần đây, nhờ các nỗ lực chính sách từ phía Chính phủ nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ xung đột thuế quan. Dù kết quả đàm phán quốc tế chưa ngã ngũ, tâm lý thị trường đang trở nên tích cực hơn, với nhiều kỳ vọng vào khả năng tiếp tục phục hồi.

Trong nửa đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự phân hóa rõ rệt về mức độ ảnh hưởng của các cổ phiếu đến VN-Index. VIC và VHM là hai mã dẫn dắt xu hướng tăng điểm của thị trường khi lần lượt đóng góp tới 55,25 điểm và 38,76 điểm cho chỉ số chính, nhờ diễn biến phục hồi mạnh và thanh khoản cải thiện rõ nét. Cùng với đó, TCB, VPL và GEE cũng hỗ trợ tích cực, đóng góp 6–17 điểm.

Ngược lại, FPT là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index trong nửa đầu năm khi kéo lùi 10,48 điểm của chỉ số chính, chủ yếu do áp lực chốt lời từ khối ngoại sau chuỗi tăng mạnh và lo ngại cạnh tranh trong mảng AI. Ngoài ra, các mã ngân hàng như VCB, HDB, cùng với BSR, VNM, SAB cũng nằm trong danh sách kéo lùi chỉ số.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2025. Tổng giá trị bán ròng đạt gần 43.500 tỷ đồng (tương đương gần 1,66 tỷ USD). Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu, khi tiền đồng mất giá 2,1% so với đầu năm – giảm nhẹ so với mức suy yếu 5% của cùng kỳ năm 2024.

Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 39.833 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu FPT với quy mô 9.306 tỷ đồng.

Cùng chiều, khối ngoại bán ròng bộ đôi cổ phiếu trong “họ Vin” là VIC (6.064 tỷ đồng) và VHM (4.323 tỷ đồng). Danh mục rút ròng hàng nghìn tỷ đồng của NĐT nước ngoài còn có nhiều đại diện ngành ngân hàng, chứng khoán như VCB (4.193 tỷ đồng), STB (2.938 tỷ đồng), TPB (2,746 tỷ đồng), SSI (2.380 tỷ đồng), HCM (1.468 tỷ đồng).

Ngược lại, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động dẫn đầu danh mục top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 2.264 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025.

Đứng thứ hai trong Top mua ròng là NVL với quy mô 1.086 tỷ đồng, cùng với nhiều mã được gom ròng hơn nghìn tỷ đồng như VIX, HPG, EIB. Một số mã cũng nằm trong danh mục rót ròng của khối ngoại là VCI, HVN, GVR, VND, DXG với quy mô 669 – 970 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp đà bán ròng gần 1.309 tỷ đồng. Cụ thể, họ tập trung bán ròng 930,5 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, theo sau là 666,9 tỷ đồng mã IDC. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như MBS (173,3 tỷ đồng), CAN (76,4 tỷ đồng), NVB (50,4 tỷ đồng), …

Trái lại, NĐT ngoại rót ròng hơn 408,1 tỷ đồng gom cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội. Cùng chiều, mã NTP của nhóm nhựa ghi nhận giá trị vào ròng 173,3 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của DHT, IVS, CEO … với giá trị dưới trăm tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại xả ròng 2.350 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam dẫn đầu chiều bán ròng với quy mô hơn 922,2 tỷ đồng.

Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 721,1 tỷ đồng mã ABB và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như MCH (182,6 tỷ đồng), VEA (176,7 tỷ đồng) và MML (95,2 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng mạnh nhất 31,7 tỷ đồng ở cổ phiếu ABI của Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC). Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu KLB (30,2 tỷ đồng), SAS (27,2 tỷ đồng), QTP (10,5 tỷ đồng), CSI (6,2 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

CÙNG CHUYÊN MỤC