J.P. Morgan đưa ra ba kịch bản cho chứng khoán Việt Nam năm 2023 và ‘phím’ nhóm cổ phiếu tiềm năng
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 07/12/2022 07:45
- Hoàng Linh
Trước tiên, khi nói về chứng khoán Việt Nam năm 2022, J.P. Morgan thừa nhận đã quá lạc quan khi đánh giá thấp tác động của rủi ro chính sách, lạm phát cao và mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng thanh khoản.
Bất chấp nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong năm 2022, chứng khoán Việt Nam ngược dòng giảm điểm tới 36% tính đến thời điểm J.P. Morgan công bố báo cáo phân tích đầu tháng 12, mức giảm sâu hơn so với nhiều thị trường cận biên khác và trong khu vực ASEAN.
Lý giải về đà giảm điểm của thị trường, những nhà phân tích của J.P. Morgan đưa ra ba lý do khiến VN-Index đi xuống. Thứ nhất, chính phủ tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản và hạn chế với trái phiếu doanh nghiệp. Thứ hai là nhu cầu bên ngoài chậm lại. Thứ ba là lãi suất tăng và thanh khoản chặt chẽ hơn.
Làn sóng bán tháo trên thị trường còn trở nên nghiêm trọng hơn do áp lực bán từ các nhà đầu tư cá nhân, bộ phận chiếm khoảng 90% thanh khoản của thị trường.
Động lực dài hạn của Việt Nam còn nguyên vẹn, sự hỗ trợ chính sách là chìa khóa với ngành bất động sản
Sang năm 2023, J.P. Morgan nhận định tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp thách thức do kinh tế Mỹ suy thoái, lãi suất tăng, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và chi phí đầu vào cao. Giả định đưa ra là lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 10%.
Lợi nhuận của các ngân hàng ổn định hơn, được hỗ trợ bởi nhu cầu tín dụng mạnh và nguồn thu lớn hơn từ các dịch vụ. Tuy nhiên, chất lượng tài sản của các ngân hàng chịu áp lực nếu thị trường bất động sản xấu đi, làm giảm kỳ vọng dự phóng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2023 (dự kiến tăng trưởng 21%).
J.P. Morgan lưu ý rằng có khoảng 515.000 tỷ đồng trái phiếu phi ngân hàng sẽ đáo hạn trong 2 năm tới. “Mặc dù tổng dư nợ trái phiếu không quá cao so với tín dụng toàn hệ thống, nhưng lãi suất tăng và hạn chế về thanh khoản sẽ ảnh hưởng đến bảng cân đối của các nhà phát triển bất động sản trong thời gian tới”.
Với rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực bất động sản và tính thanh khoản doanh nghiệp, J.P. Morgan cho rằng hỗ trợ chính sách là chìa khóa để tránh những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng như giai đoạn thị trường bất động sản khủng hoảng năm 2012.
Những nhà phân tích của J.P. Morgan tin rằng chính phủ đủ khả năng để giải ngân kích thích tài khóa và lựa chọn ngành kích thích tăng trưởng tín dụng để bù đắp những khó khăn đang gia tăng. Việt Nam chứng kiến tăng trưởng tín dụng tăng tốc 3 trên 4 lần trong giai đoạn 10 năm qua.
Về tổng quan, J.P. Morgan nhận định động lực dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam còn nguyên vẹn với 4 yếu tố. Thứ nhất là dòng vốn FDI tiếp tục tăng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Thứ hai là việc gia tăng nhóm người tiêu dùng có thu nhập trung bình. Thứ ba là xu hướng đô thị hóa và số hóa nền kinh tế. Cuối cùng là tiềm năng nâng hạng thị trường.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu dài hạn đạt GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD vào năm 2030 và 30.000 USD vào năm 2050, hàm ý rằng tăng trưởng hàng năm đạt 6,5 – 7% trong dài hạn.
Ba kịch bản với thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023
Trở lại với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023, J.P. Morgan đưa quan điểm, đà sụt giảm mạnh đẩy định giá dự phóng P/E của chứng khoán Việt Nam xuống dưới 10 lần. Đây là mức đáy trong hai lần khủng hoảng trước đó là khi dịch COVID-19 bùng nổ đầu năm 2020 và thị trường bất động sản suy thoái năm 2012.
“Chúng tôi tin rằng hầu hết các rủi ro giảm giá đã được phản ánh vào định giá. Chúng tôi đánh giá cao chứng khoán Việt Nam trong khu vực ASEAN với các lĩnh vực như công nghệ thông tin, ngành hàng tiêu dùng và những ngân hàng có chất lượng tốt và vốn mạnh. Nhóm vật liệu và năng lượng không được đánh giá cao. VN-Index dự báo đạt 1.200 điểm năm 2023 trong kịch bản cơ sở. Với kịch bản thị trường bò/gấu lần lượt là 1.300 điểm và 800 điểm”, chuyên gia J.P. Morgan nêu.
Kịch bản thị trường bò (bull)
Hỗ trợ chính sách trong lĩnh vực bất động sản sớm và mạnh mẽ
Tâm lý nhà đầu tư trong nước tích cực
Nền kinh tế Mỹ và các thị trường phát triển “hạ cánh mềm”
Thị trường có thể được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE/MSCI
Kịch bản thị gấu (bear)
Sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản tạo áp lực thanh khoản tài sản của các ngân hàng
Suy thoái sâu tại các thị trường phát triển dẫn đến xuất khẩu giảm sút
Lãi suất cao dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận yếu hoặc âm
Những thương vụ bắt bớ thanh lọc thị trường
Những động lực chính cho năm 2023
Định hướng chính sách về lĩnh vực bất động sản và thị trường vốn
Giải ngân kích thích tài khóa và dòng vốn FDI
Tiêu dùng nội địa và tâm lý nhà đầu tư