Khi nào tiền ngoại ‘quay đầu’?

Chia sẻ mới đây tại Livestream do DNSE tổ chức, các chuyên gia nhận định xu hướng bán ròng của khối ngoại khó thay đổi trong ngắn hạn vài tháng tới, khi nhiều yếu tố như lãi suất Fed, tỷ giá, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp chưa chuyển biến đáng kể.

Trong nửa đầu năm, một vấn đề diễn ra trên thị trường chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 60.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là khi nào khối nhà đầu tư này ngưng bán ròng, và quay lại mua ròng?

Trước câu chuyện này, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc Khách hàng cao cấp Hà Nội, CTCP Chứng khoán DNSE, nêu sự tương quan giữa các dòng vốn ngoại FDI và FII.

Theo đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) thường chậm hơn so với vốn đầu tư trực tiếp (FDI) khoảng 2 năm. Điều này nghĩa là, khi FDI giải ngân mạnh thì sau đó khoảng 2 năm thì dòng tiền FII sẽ đi sau, nhưng có tính chu kỳ. Hiện vốn FDI đang tăng trưởng đều từ đầu năm, và vẫn duy trì tích cực trong 3 năm gần đây.

Xu hướng bán ròng FII của nhà đầu tư nước ngoài mang tính chất thời điểm. Bởi vì trong các năm 2017 2018, 2019, khối ngoại đã mua ròng đáng kể, với lũy kế khoảng 70.000 – 80.000 tỷ đồng. Sau đó, khối này đã có nhịp bán ròng vào 2020, khi COVID-19 xảy ra. Lượng bán ròng có nét tương đồng với thời điểm hiện tại 2024.

Vị chuyên gia so sánh giữa hai thời điểm, thì hiện tại nội lực thị trường đã khác. Nền kinh tế vững chắc, tăng trưởng tốt, các chỉ số vĩ mô như GDP, tăng trưởng tín dụng khởi sắc. Cùng với đó, nền thanh khoản của thị trường chứng khoán, đại diện là VN-Index, so với cách đây khoảng 2-3 năm, đã cao hơn nhiều.

Hơn nữa, với nhóm nhà đầu tư nội, các F0 giai đoạn 2021 bây giờ đã trở thành Fn, lại ngày càng được trang bị thêm nhiều kiến thức, công nghệ. Họ cũng dần đầu tư có kỷ luật hơn trước. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp, trưởn thành của nhà đầu tư nội đã nâng lên.

Quay lại câu hỏi bao giờ khối ngoại sẽ mua ròng, với FDI vẫn tăng trưởng, ông Hoàng dự báo dòng vốn FII sẽ quay lại trong vòng 12 - 18 tháng tới. Yếu tố làm cho nhận định này đến từ mặt bằng lãi suất của Fed có thể giảm 0,5 điểm cơ bản trong tháng 9, theo đó, FII sẽ tìm đến các thị trường tiềm năng (như Việt Nam).

Lời khuyên đến nhà đầu tư, ông Hoàng cho rằng không nên chờ tới thời điểm cổ phiếu “rẻ” như giai đoạn đầu COVID-19, hay sự kiện Vạn Thịnh Phát để tất tay, vì không ai đoán được khi nào diễn ra, có thể phải 2-3 năm nữa cũng chưa chắc. Hiện việc đầu tư chứng khoán ở chiến lược trung dài hạn hoàn toàn có thể đem lại mức lợi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm, và phải chọn đúng cổ phiếu.

Ông Cao Minh Hoàng (giữa) và ông Trần Ngọc Báu (màn hình nhỏ) chia sẻ tại sự kiện ngày 31/7. (Ảnh chụp màn hình).

Góc nhìn của ông Trần Ngọc Báu, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành WiGroup, thời gian qua dòng vốn đã có sự dịch chuyển về các quốc gia phát triển, điển hình là Mỹ. Điều này đến từ yếu tố tỷ giá, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không nắm giữ nhiều tài sản theo VND nếu VND sẽ giảm giá đáng kể 5-7% so với USD, dẫn đến việc bán tháo là bình thường. Đây cũng là diễn biến chung tại các thị trường khác như Nhật Bản hay các nền kinh tế tương tự như Việt Nam.

Thứ hai, yếu tố hấp dẫn hơn là lãi suất tại các thị trường phát triển đạt mặt bằng chung khoảng 5-7%, tốt hơn nếu so với Việt Nam. Từ đó, kết hợp với rủi ro tỷ giá, việc rút ròng của FII là chắc chắn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá “rẻ”, ảnh hưởng từ việc nhóm ngân hàng chỉ có P/E khoảng 7-8 lần, trong khi đây là nhóm vốn hóa lớn. Nếu loại bỏ ngân hàng ra, P/E của thị trường có thể cao hơn.

Quan sát kỹ hơn vào nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng thuộc rổ VN30, kể đến như Hòa Phát, Vinamilk... thì tiềm năng tăng trưởng 2-5 năm tới vẫn chưa rõ ràng. Như vậy, khối ngoại cũng nhìn vào động lực trưởng lợi nhuận của thị trường trong tương lai để đánh giá.

Ông Báu dự báo khoảng 6 - 9 tháng tới, những yếu tố bất lợi nêu trên sẽ được cải thiện. Lãi suất tại Mỹ có thể giảm, tỷ giá VND sẽ tăng. Lợi nhuận toàn thị trường đang ghi nhận tăng trưởng khoảng 17 - 18%, định giá sẽ hấp dẫn hơn.

CÙNG CHUYÊN MỤC