KIS Research: Vĩ mô tháng 6 – Xuất khẩu chững lại, kinh tế hướng về thị trường nội địa
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 11/07/2025 13:55
- Bích Thu

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock).
Kinh tế tăng tốc không đồng đều giữa các trụ cột
Theo Chứng khoán KIS, GDP quý II năm 2025 ghi nhận tăng trưởng nhanh hơn, được thúc đẩy bởi đợt dồn đơn hàng xuất khẩu trong giai đoạn “ưu đãi thuế”. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu quý II tăng tới 18% so với cùng kỳ, cao hơn 7,41 điểm phần trăm so với quý I. Tuy nhiên, bức tranh vĩ mô của Việt Nam trong tháng 6 cho thấy một câu chuyện đa chiều.
Trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,28% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh đà tăng trưởng đã chậm lại khi hiệu ứng từ các kỳ nghỉ lễ giảm dần. Bên cạnh đó, tăng trưởng cũng tạm thời bị kìm hãm bởi gián đoạn nguồn cung, khi các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa, phát hành hóa đơn điện tử và thực hiện các yêu cầu kê khai thuế mới.

Sản xuất và đầu tư duy trì đà tăng trong bối cảnh thận trọng
Theo quan sát của Chứng khoán KIS, ở phương diện đối ngoại, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn duy trì đà tăng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số PMI giảm xuống còn 48,9 — tháng thứ ba liên tiếp dưới ngưỡng 50 — cho thấy điều kiện kinh doanh đang suy yếu nhẹ do số lượng đơn hàng mới giảm. Sự phân hóa này cho thấy sức mạnh của IIP chủ yếu đến từ hoạt động giao hàng trước thời hạn nhằm tránh các biện pháp thuế quan.
Cùng với đó, trong bối cảnh thời điểm ra quyết định về thuế quan đang đến gần, Chứng khoán KIS nhận định các nhà đầu tư nước ngoài cũng trở nên thận trọng hơn, nhiều khả năng đang chờ đợi thêm sự rõ ràng về chính sách trước khi đưa ra các cam kết mới. Do đó, vốn FDI đăng ký trong tháng 6 chỉ đạt 3,14 tỷ USD, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về thương mại, Chứng khoán KIS nhận thấy đà tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 6 chững lại so với tháng trước. Nguyên nhân có thể đến từ những hạn chế về logistics, khi chỉ còn đường hàng không đáp ứng được thời hạn giao hàng sang Mỹ trước ngày 9/7 nếu xuất hàng trong tháng 6. Tuy nhiên, khi hiệu ứng “gom hàng sớm” suy giảm, đà tăng trưởng xuất khẩu dự kiến sẽ chững lại. Theo đó, động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhiều khả năng sẽ quay trở lại với khu vực tiêu dùng trong nước và khu vực tư nhân.
