Lãnh đạo Gemadept mua vào cổ phiếu giữa biến động thị trường

Cổ phiếu CTCP Gemadept (Mã: GMD) ghi nhận diễn biến tăng trở lại trong bối cảnh một số lãnh đạo và người liên quan đăng ký mua vào cổ phiếu khi giá giảm do ảnh hưởng từ thông tin thuế quan.

Hai Phó Tổng Giám đốc Đỗ Công Khanh và Nguyễn Thế Dũng, cùng ông Đỗ Nhật Tân – cha của Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Nhân – đã lần lượt đăng ký mua mỗi người 1 triệu cổ phiếu GMD.

Kết quả, ông Khanh và ông Tân mua đủ số lượng đăng ký, còn ông Dũng chỉ mua gần 652.000 cổ phiếu do "diễn biến thị trường chưa phù hợp mục tiêu". Các giao dịch diễn ra từ ngày 11/4 đến 14/5.

Các cá nhân trên hiện lần lượt sở hữu 1,5 triệu cổ phiếu (tương đương 0,36% vốn), 1,5 triệu cổ phiếu (0,36%) và 1 triệu cổ phiếu (0,25%).

Cổ phiếu GMD kết phiên 21/5 tại 54.800 đồng/cp, tăng khoảng 30% so với vùng đáy gần nhất ngày 9/4. Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 3,3 triệu đơn vị mỗi phiên.

Trong quý I, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần 1.276 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm 17,5%, còn 583 tỷ đồng.

 Diễn biến cổ phiếu GMD từ đầu năm đến 21/5. (Biểu đồ: TradingView).

Thuế đối ứng từ Mỹ tạo áp lực lên ngành cảng biển

Theo báo cáo mới đây của SHS, ngành cảng biển Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức từ chính sách thuế quan đối ứng mà Mỹ công bố vào tháng 4 và bắt đầu áp dụng từ ngày 9/4. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản đều nằm trong danh mục bị điều chỉnh thuế, khiến tổng chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng lên.

Tác động trực tiếp đến các cảng là sự sụt giảm khối lượng container và tần suất tàu cập cảng. Việc giảm số chuyến hàng đi Mỹ có thể khiến sản lượng thông quan tại nhiều cảng, đặc biệt là các cảng có tỷ trọng hàng Mỹ cao như Gemadept, Vinconship (VSC), CMIT, Gemalink, SSIT, bị ảnh hưởng rõ rệt.

Sản lượng giảm dẫn tới doanh thu từ các dịch vụ cốt lõi như xếp dỡ, lưu kho, vận chuyển nội địa và dịch vụ logistics đồng bộ cũng có thể đi xuống trong các quý tiếp theo.

SHS cũng cảnh báo về khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia nếu chính sách thuế kéo dài, dẫn tới tình trạng giảm hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam. Những biến động này có thể chưa thể hiện đầy đủ trong quý I, nhưng sẽ ảnh hưởng rõ ràng từ quý II trở đi.

Các doanh nghiệp kết hợp cả hoạt động cảng và vận tải biển, chẳng hạn như CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), có thể chịu tác động kép. Khi sản lượng hàng hóa giảm và chi phí vận hành tàu tăng, biên lợi nhuận có nguy cơ bị thu hẹp nhanh hơn nhóm chỉ thuần khai thác cảng.

SHS cho rằng triển vọng trung và dài hạn của ngành cảng biển Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào năng lực cạnh tranh so với các quốc gia cùng phân khúc trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ.

Hai cụm cảng trọng điểm Cái Mép – Thị Vải và Hải Phòng vẫn là đầu mối giao thương quan trọng nhờ vị trí chiến lược và khả năng kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những điều chỉnh về chính sách thương mại từ các nền kinh tế lớn như Mỹ có thể tạo ra các “cú sốc” nhất định về sản lượng và doanh thu, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng kịch bản ứng phó chủ động hơn, kể cả trong chiến lược khai thác khách hàng, tối ưu vận hành và mở rộng dịch vụ hậu cần nhằm duy trì hiệu quả hoạt động.

 

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.

Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

CÙNG CHUYÊN MỤC