NĐT cá nhân mua ròng khớp lệnh hơn 10.500 tỷ đồng, mã nào là tâm điểm?
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 04/08/2024 10:06
- Linh Chi
VN-Index kết thúc tháng 7 tại mốc 1.251,51 điểm, tăng 6,19 điểm, tương đương 0,5% so với tháng 6. Thanh khoản thị trường mất hút khi dòng tiền còn ngại rủi ro, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 19.367 tỷ đồng trong tháng 7 – mức thấp nhất trong 6 tháng gần đây. Tính riêng kênh khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 17.282 tỷ đồng, giảm 23,8% so với mức bình quân tháng 6 và 24,9% so với mức bình quân 5 tháng gần đây.
Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước là bên mua ròng duy nhất trên thị trường. Giao dịch của nhóm này đã cân lệnh bán ra từ phía khối ngoại, tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán.
Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng gần 9.233 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng hơn 10.545 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, kéo dài xu hướng giải ngân tuần thứ 6 liên tục. Tuy nhiên quy mô rót ròng đã giảm 40% so với tháng 6.
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra tại 11/18 nhóm ngành. Trong đó, cổ phiếu bất động sản được mua ròng 3.161 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tháng 7.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng hơn nghìn tỷ đồng các đại diện thuộc nhóm công nghệ thông tin (3.075 tỷ đồng), ngân hàng (1.255 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (1.162 tỷ đồng). Cùng chiều, các ngành hóa chất, bán lẻ, du lịch & giải trí, thực phẩm & đồ uống, điện, nước & xăng dầu khí đốt, xây dựng & vật liệu, … cũng thu hút dòng tiền cá nhân trong nước với giá trị thấp hơn.
Chiều ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp với quy mô hơn 373 tỷ đồng. Cổ phiếu ngành dầu khí, dịch vụ tài chính cũng nằm trong Top rút ròng với giá trị lần lượt là 96 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.
Áp lực bán từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các lĩnh vực bất động sản, hàng cá nhân & gia dụng, truyền thông, y tế nhưng với quy mô không đáng kể.
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, FPT dẫn đầu chiều mua ròng của cá nhân trong nước với giá trị 3.057 tỷ đồng, quy mô này bỏ xa các mã còn lại trong top mua ròng. Giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu FPT từ khối ngoại và tổ chức nội.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT ghi nhận xu hướng tăng giá kéo dài từ cuối tháng 10 năm ngoái đến đầu tháng 7/2024, vừa qua mới ghi nhận nhịp điều chỉnh nhẹ. Kết thúc phiên 31/7, cổ phiếu của FPT dừng chân tại mốc 128.600 đồng/cp, tương đương vùng giá cuối tháng 6. Thị giá hiện tại giảm hơn 7% so với mức đỉnh lịch sử nhưng vẫn tăng gần 34% so với thời điểm đầu năm.
Theo sau, lực mua các cá nhân tiếp tục tìm đến hai đại diện “họ Vin” là cổ phiếu VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail với giá trị 1.316 tỷ đồng và mã VHM với 1.224 tỷ đồng. Một cổ phiếu khác được gom ròng hơn nghìn tỷ đồng là EIB.
Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện của nhóm ngân hàng, bán lẻ, thép như TCB (978 tỷ đồng), MSN (679 tỷ đồng), HPG (655 tỷ đồng), MWG (616 tỷ đồng), SSB (517 tỷ đồng), HSG (483 tỷ đồng).
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở mã VNM với 508 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, sau giai đoạn đi ngang 65.000 - 68.000 đồng/cp suốt hơn 3 tháng, cổ phiếu của Vinamilk giao dịch bùng nổ về thanh khoản trong phiên 31/7.
Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,1 triệu cp, đánh dấu mức thanh khoản kỷ lục kể từ khi lên sàn. Trong quá khứ, cổ phiếu của ông lớn ngành sữa từng khớp lệnh gần 11,87 triệu cổ phiếu phiên 24/6, 11,96 triệu cổ phiếu phiên 23/6/2023 hay hơn 10 triệu đơn vị phiên 22/9/2021, ... Cổ phiếu VNM đóng cửa tháng 7 tại mốc 71.600 đồng/cp, tương đương tăng 6,5% từ đầu năm.
Trở lại với giao dịch của NĐT cá nhân, họ rút ròng nhiều cổ phiếu nhóm tài chính – ngân hàng như STB (430 tỷ đồng), VCB (369 tỷ đồng), BID (367 tỷ đồng), CTG (308 tỷ đồng) và VCI (281 tỷ đồng).
Cùng chiều của các cá nhân trong nước rút ròng hàng trăm tỷ đồng các mã PLX (315 tỷ đồng), VCI (281 tỷ đồng), BCM (274 tỷ đồng) và PC1 (248 tỷ đồng).