Ngành khách sạn, dịch vụ giải trí bắt đầu được định vị trên sàn chứng khoán sau thương vụ Vinpearl niêm yết

Du lịch được định hướng là một mũi nhọn trong cấu trúc kinh tế và Việt Nam đang có thiên thời để bứt phá. Với hàng trăm triệu dân, cấu trúc dân số trẻ, tầng lớp trung lưu gia tăng, thu nhập người dân ngày càng cải thiện, cùng với những bãi biển đẹp nhất hành tinh trải dài trên đất nước hình chữ S, ngành du lịch sở hữu nền tảng lý tưởng để phát triển. Thế nhưng, nghịch lý là lĩnh vực này lại gần như nép vế trên thị trường chứng khoán.

Suốt 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các nhóm ngành tài chính, bất động sản, sản xuất, nhưng lại thiếu vắng một đại diện xứng tầm trong lĩnh vực khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng – một ngành được xem là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.

Dù Việt Nam sở hữu tiềm năng du lịch hiếm có với đường bờ biển dài, danh lam thắng cảnh đa dạng và cấu trúc dân số trẻ, năng động, ngành du lịch trên thị trường chứng khoán lại dường như bị lãng quên. Các công ty đang niêm yết chủ yếu là doanh nghiệp địa phương, quy mô nhỏ, vận hành đơn lẻ, không sở hữu chuỗi thương hiệu hay hệ sinh thái dịch vụ đủ lớn để đại diện ngành.

Đơn cử, Tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH) có vốn hóa chỉ hơn 100 tỷ đồng, hoạt động tập trung tại Thái Nguyên. CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) – đơn vị vận hành khách sạn và casino tại Hạ Long – nhiều năm thua lỗ, vốn hóa chưa đến 500 tỷ đồng. Vietravel (VTR) dù có thương hiệu nhưng cũng chỉ dừng ở mức quanh 600 tỷ đồng. Ở quy mô lớn hơn, CTCP Du lịch Thành Thành Công (VNG) – đơn vị sở hữu các khu nghỉ dưỡng TTC tại Nha Trang, Phan Thiết và Đà Lạt – cũng có vốn hóa khá khiêm tốn dù hoạt động trải dài trên nhiều điểm đến du lịch lớn.

Tương tự, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) – đơn vị sở hữu khu nghỉ dưỡng cao cấp Six Senses Ninh Vân Bay – cũng chỉ có vốn hóa khoảng 600 tỷ đồng và hoạt động tài chính nhiều năm không ổn định. Một số doanh nghiệp vận hành cơ sở lưu trú cao cấp hiện thuộc sở hữu và quản lý bởi các tập đoàn nước ngoài hoặc trong nước không niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Thực tế này cho thấy sự thiếu hụt các doanh nghiệp quy mô lớn, có khả năng phản ánh đầy đủ vai trò của ngành du lịch nghỉ dưỡng trong cơ cấu vốn hóa thị trường chứng khoán. Khoảng trống đó không chỉ thể hiện qua con số vốn hóa khiêm tốn, mà còn ở việc thiếu vắng những thương hiệu mang tính biểu tượng, có sức ảnh hưởng rộng khắp thị trường. Ít tên tuổi lớn, quy mô vốn nhỏ, đóng góp thanh khoản từ ngành này rất thấp là một thực tế không qua khó hiểu.

 Vinpearl chính thức niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Ảnh: HOSE.

Trong bối cảnh trên, CTCP Vinpearl – thương hiệu khách sạn nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lớn nhất cả nước – chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 13/5 vừa qua đã tạo nên một bước ngoặt. Đây không đơn thuần là thương vụ có quy mô lớn, mà còn mang tính định vị lại ngành khách sạn – du lịch, dịch vụ giải trí trên bản đồ vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với vốn hóa khoảng 6 tỷ USD, Vinpearl ngay lập tức lọt vào nhóm 15 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thị trường. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp thuần về dịch vụ khách sạn – dịch vụ giải trí đạt quy mô vốn hóa tỷ USD trên sàn, góp phần điều chỉnh lại cơ cấu ngành trong cấu trúc vốn hóa và mở ra không gian đầu tư mới trong một lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng chưa từng được định vị trên bản đồ đầu tư.

Vinpearl hiện đang vận hành hệ sinh thái du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí quy mô lớn hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp sở hữu 31 khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao với tổng công suất hơn 16.000 phòng, chiếm khoảng 20% tổng số phòng khách sạn 5 sao tại Việt Nam. Bên cạnh đó là hệ thống 12 công viên giải trí đa dạng, bao gồm các công viên chủ đề, công viên nước, safari bán hoang dã và học viện cưỡi ngựa đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài ra, Vinpearl còn vận hành 4 sân golf chuẩn quốc tế và nhiều trung tâm hội nghị – ẩm thực quy mô lớn.

Về mạng lưới, Vinpearl hiện diện tại hầu hết các trung tâm du lịch lớn như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng – Hội An, Hà Nội, TP.HCM… và đang được quốc tế hóa thông qua hợp tác quản lý cùng các tập đoàn danh tiếng như Marriott, Meliá.

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp cùng ngành hiện vẫn dựa vào nguồn khách nội địa hoặc vận hành theo mô hình nhỏ lẻ, đặc biệt là nhóm niêm yết như vừa đề cập, Vinpearl đang đi theo chiến lược dài hạn với các siêu quần thể nghỉ dưỡng và giải trí, tiếp cận đa dạng nhóm khách hàng từ phổ thông đến cao cấp, từ trong nước đến quốc tế.

Với vị thế và hoạt động như trên, sự hiện diện của Vinpearl trên sàn chứng khoán diễn ra trong thực trạng du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch có thể mở đường cho các thương hiệu lớn khác niêm yết, tạo dấu ấn rõ nét hơn cho ngành khách sạn, vui chơi giải trí.

Khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của Vinpearl. Ảnh: Vinpearl.

Đặt trong bức tranh tổng thể, theo quy hoạch đến năm 2030, ngành du lịch Việt Nam được kỳ vọng đóng góp 13-14% GDP, với mục tiêu đón 35 triệu khách quốc tế và 160 triệu khách nội địa mỗi năm. Trong quý đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã lần đầu tiên vượt mức trước COVID-19, đạt gần 7,7 triệu lượt, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường khách nội địa tiếp tục tăng trưởng ổn định, phản ánh nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng rõ nét trong tầng lớp trung lưu – vốn đang mở rộng mạnh mẽ tại Việt Nam.

Điều này đặt ra nhu cầu đầu tư lớn vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí – những lĩnh vực mà Vinpearl đang có vị thế dẫn đầu. Bên cạnh đó, chính sách thị thực thông thoáng hơn, cùng với làn sóng đầu tư vào hạ tầng giao thông đang ngày càng rõ nét. Mạng lưới đường cao tốc quốc gia tiếp tục được mở rộng, các sân bay quốc tế được nâng cấp và xây dựng mới, hướng tới mục tiêu 30 sân bay vào năm 2030.

Đặc biệt, triển vọng triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư và hoạch định chính sách, với kỳ vọng rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các trung tâm du lịch lớn, đồng thời tạo động lực phát triển du lịch liên vùng. Những yếu tố này sẽ tiếp tục củng cố đà phục hồi và tăng trưởng bền vững của ngành du lịch Việt Nam.

Trở lại vấn đề như vừa nêu, không dừng lại ở vai trò dẫn dắt, Vinpearl có thể tạo hiệu ứng lan tỏa với các doanh nghiệp cùng ngành. Khi thị trường nhìn nhận đúng hơn về vai trò và tiềm năng của ngành du lịch nghỉ dưỡng, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp dịch vụ, vận hành chuỗi khách sạn, khu vui chơi hoặc dịch vụ giải trí chất lượng cao xem xét khả năng niêm yết hoặc huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Qua đó, một ngành từng bị đánh giá là "cận biên" về vốn hóa có thể dần trở thành trụ cột trong cấu trúc ngành của thị trường chứng khoán Việt Nam.

CÙNG CHUYÊN MỤC