Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)

Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.

Cuộc đổ bộ của các đại gia Hàn Quốc

Song song với quyết định bán vốn tại những thương vụ M&A đời đầu, ngành chứng khoán Việt bước vào giai đoạn cơ cấu mới với hành động khác biệt.

Trong giai đoạn cơ cấu mới, các công ty chứng khoán giải quyết triệt để vấn đề sở hữu, bên mua sẽ chi phối toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Thứ hai, tổ chức mẹ ưu tiên nâng cao năng lực về vốn tạo động lực thúc đẩy công ty chứng khoán. Thứ ba, triết lý kinh doanh được thay đổi sát với nhu cầu thị trường.

Đó là ba đặc điểm chung của các thương vụ M&A trong thời kỳ mới. Nhưng các tổ chức không đi theo một mô típ chung. Sự khác biệt được tạo ra chính từ những tổ chức mẹ, người viết có thể khái quát thành ba nhóm. Từ đây, ba làn sóng thâu tóm công ty chứng khoán hình thành.

Thứ nhất đó là cuộc đổ bộ của các đại gia Hàn Quốc. Trong vòng 10 năm (2010 – 2020), đã có 8 tổ chức Hàn Quốc sở hữu công ty chức khoán tại Việt Nam trong đó có 4 đơn vị dẫn đầu đều đã hiện diện gồm Mirae Asset, NH Securities and Investment, KB Securities và Korea Investment and Securities.

Ngoại trừ việc mở mới như Mirae Asset (Việt Nam), hầu hết các đơn vị lựa chọn thâu tóm tổ chức trong nước và tiến hành tăng vốn điều lệ, đổi mới mô hình hoạt động. Như vừa nêu trên, Mở màn cho chuỗi thâu tóm là việc Korea Investment & Securities (KIS) đã mua lại cổ phần của Chứng khoán Gia Quyền (EPS) sau đó đổi tên thành Chứng khoán KIS Việt Nam vào tháng 12/2010.

Tháng 2/2016, Shinhan Investment Corportion mua lại Chứng khoán Nam An và đổi tên thành Chứng khoán Shinhan Việt Nam (NASC). Tháng 11/2017, NĐT Hàn Quốc thâu tóm cổ phần Chứng khoán Woori CBV, sau đó đổi tên thành Chứng khoán NH Việt Nam.

Cũng trong năm 2017, KB Securities hoàn thành thương vụ mua lại 99,4% vốn của Chứng khoán Maritime (MSI), sau đó đổi tên thành Chứng khoán KB Việt Nam. Tháng 5/2019, Chứng khoán và Đầu tư Hanwha (Hàn Quốc) hoàn tất thương vụ mua 90,05% cổ phần tại CTCP Chứng khoán HFT, đổi tên thành Chứng khoán Pinetree.

Không chỉ áp đảo về số lượng, nhóm công ty chứng khoán Hàn Quốc có thể nói đã châm ngòi cho cuộc chiến bán lẻ trong ngành. Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ từ tổ chức mẹ, các đại gia Hàn Quốc rót thêm hàng nghìn tỷ đồng tăng vốn điều lệ, đưa quy mô vốn vượt mặt các tổ chức nội. Không chỉ tăng vốn, các tổ chức này còn nhận được tài trợ thông qua nguồn tiền từ cho vay và trái phiếu để đẩy quy mô cho vay ký quỹ (margin) lên top đầu thị trường.

Chưa hết, song hành với chính sách margin dồi dào, nhóm công ty chứng khoán Hàn Quốc tung chính sách miễn phí giao dịch (zerofee) tạo ra áp lực cạnh tranh lớn lên ngành chứng khoán và kéo dài cho đến hiện tại.

Thời kỳ ngân hàng hậu thuẫn công ty chứng khoán trở lại

Trong khi nhóm tổ chức nội đang gồng mình trước sức ép cạnh tranh, chỉ một số ít đơn vị duy trì vị thế nhờ những lợi thế bán lẻ thiết lập trước đó như SSI, VNDirect, HSC, số khác dần “mất mình” trong chặng cạnh tranh bán lẻ và mất dần thị phần.

Tuy nhiên, khi quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh sau khi dịch Covid-19 nổ ra, “chiếc bánh ngọt” đã lọt vào mắt của những ngân hàng. Thời kỳ các công ty chứng khoán được hậu thuẫn vốn từ ngân hàng trở lại song không còn giống giai đoạn trước.

Nếu như trong giai đoạn đầu, khối công ty chứng khoán thuộc ngân hàng quốc doanh “sinh ra ở vạch đích”như Agriseco, BSC, VietinBank Securities, VCBS. Ở thời kỳ này, lợi thế lại thuộc về nhóm công ty chứng khoán nằm trong hệ sinh thái của ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như TCBS (Techcombank), VPBankS (VPBank), Kafi (VIB), TPS (TPB), ACBS (ACB), LPBS (LPBank), SHS (SHB), DSC (PGBank), HDS (HDBank).

Cơ chế tăng vốn dễ dàng giúp các công ty chứng khoán dễ dàng nâng quy mô vốn thêm hàng nghìn tỷ đồng và những đợt tăng liên tiếp diễn ra. Tiêu biểu nhất là thương vụ Chứng khoán VPBank (VPBankS) tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng, đứng thứ hai thị trường chỉ sau hai năm mua lại Chứng khoán ASC.

Sự vươn lên của nhóm công ty chứng khoán thuộc các ngân hàng giúp nhóm công ty chứng khoán nội dần lấy lại vị thế và có phần áp đảo. Top 10 đơn vị dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ không còn tổ chức nước ngoài.

Việc tăng vốn điều lệ đã làm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu vay ký quỹ của thị trường, đồng thời giải quyết bài toán đầu tư lớn hơn vào các sản phẩm trái phiếu, giấy tờ có giá của các công ty chứng khoán. Hơn nữa, lợi thế vốn còn giúp các tổ chức này còn gia tăng sức cạnh tranh trong nghiệp vụ bán lẻ, phà hơi nóng lên các tổ chức dẫn đầu.

Thậm chí, không quá khi nói rằng các công ty chứng khoán đang bị “ngân hàng hóa” bởi mảng cho vay đóng vai trò trọng yếu và ngày càng gia tăng vị thế trong cơ cấu doanh thu khi phí môi giới đang bị co hẹp do cạnh tranh.

Rõ nét nhất là trường hợp TCBS liên tục gia tăng thị phần, vượt qua nhiều ông lớn để vươn lên Top 3 với mô hình phát triển dựa trên nền tảng công nghệ, không sử dụng môi giới. Công ty này đang là tổ chức dẫn đầu về dư nợ margin.

Sự nổi lên của những cái tên mới

Tuy vậy, “ngựa ô” TCBS chưa phải là cái tên nổi bật nhất trong 5 năm trở lại đây. Thương vụ kinh điển nhất của ngành chứng khoán phải kể đến VPS. Sau khi mua lại từ VPBank, ông Nguyễn Lâm Dũng và các cộng sự đã cơ cấu và đưa VPS trở thành đơn vị thống trị cả 4 bảng xếp hạng về thị phần môi giới với tỷ lệ áp đảo.

Khác với hai nhóm vừa nêu trên, VPS là đại diện tiêu biểu cho làn sóng gia nhập nhóm tư nhân, đan xen vào các thương vụ lớn của hai làn sóng nêu trên.

Cùng với VPS, nhiều công ty chứng khoán đã đổi chủ về tay những cá nhân, đây là những người từng kinh qua vị trí lãnh đạo ở cấp trung và cao trong các công ty chứng khoán. Trong số này có thể kể đến là DNSE của ông Nguyễn Hoàng Giang, Chứng khoán Saigonbank Berjaya của bà Nguyễn Thị Hương Giang. Gần đây nhất là thương vụ liên quan giữa Chứng khoán Hải Phòng và ông Vũ Hoàng Việt – một cộng sự cũ của ông Nguyễn Hoàng Giang tại VNDirect.

Hoạt động M&A ngành chứng khoán vẫn chưa dừng lại. Với nhu cầu huy động vốn và thực hiện các thương vụ trong hệ sinh thái, nhiều tập đoàn tư nhân đã mua lại công ty chứng khoán trong những năm gần đây như Thành Công, Sunshine Group, Amber Holdings, Tân Hoàng Minh, Thai Group, Xuân Thiện… Những fintech như Momo, Finhay cũng phải sắm cho mình một công ty chứng khoán để hoàn thiện hệ sinh thái.

Theo chiều hướng phát triển của thị trường cả về chiều rộng và chiều sâu khi mục tiêu nâng hạng trở thành hiện thực, nhu cầu đầu tư khi tầng lớp trung lưu lớn dần hay nhu cầu quy động vốn của nền kinh tế ngày một gia tăng, hoạt động M&A của ngành chứng khoán được dự báo tiếp tục sôi động. Những câu chuyện thú vị, những mô hình kinh doanh mới có thể sẽ được kể trong chặng đường mới mang tên nâng hạng.

CÙNG CHUYÊN MỤC