Phó Thống đốc NHNN chia sẻ gì về Sandbox đầu tiên của Việt Nam?

Theo Phó Thống đốc, Fintech có vai trò rất lớn với hoạt động ngân hàng, trong quá trình triển khai Nghị định, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng để đánh giá và đề xuất mở rộng các giải pháp tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Ngày 1/7/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm “Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiếm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Nghị định 94). 

Theo đó, tọa đàm nhằm phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị định 94, nâng cao nhận thức về khung pháp lý, trang bị kiến thức chuyên môn cho các đối tượng áp dụng của Nghị định, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình thử nghiệm. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu tại toạ đàm (Ảnh: NHNN)

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: "Có lẽ đây là Sandbox (Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) đầu tiên của Việt Nam”.

Theo Nghị định 94, có ba giải pháp được xem xét tham gia Cơ chế thử nghiệm bao gồm chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Theo Phó Thống đốc, trong quá trình triển khai Nghị định, nhà điều hành sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng để đánh giá và đề xuất mở rộng các giải pháp tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Đồng thời, Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị chuyên môn của NHNN cần làm rõ tinh thần trong Nghị định, các dịch vụ là gì, bản chất là gì, các điều kiện, thủ tục, thời gian.. để các đơn vị, doanh nghiệp Fintech tham gia . 

Bên cạnh đó, các Bộ ngành tiếp tục phối hợp NHNN triển khai Nghị định, làm thế nào để các doanh nghiệp tham gia được xem xét nhanh chóng hồ sơ, tao điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia, góp phần cung ứng các dịch vụ tài chính tiện ích cho khách hàng.

Phó Thống đốc cho biết đến nay đã có khoảng 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản tại NH và các tổ chức được phép. Đây là điều kiện tiên quyết, tiền để để chúng ta phát triển các dịch vụ tài chính, đặc biệt tài chính toàn diện.

"Trong đó có sự hỗ trợ của Fintech, vai trò của Fintech rất lớn với hoạt động ngân hàng. Fintech và ngân hàng đồng hành cùng phát triển, hai bên hỗ trợ nhau", Phó Thống đốc nhấn mạnh. 

Ngoài ra, ông cũng hi vọng, với Sandbox này, các doanh nghiệp Fintech tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành tài chính tại VN, đặc biệt là giúp cho phát triển toàn diện, bao trùm, giúp những người yếu thế có thể sử dụng dịch vụ tài chính với giá hợp lý, chất lượng tốt. 

Ông Ron H. Slangen - Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam (Nguồn: NHNN)

Chia sẻ tại Toạ đàm, Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Ron H.Slangen, nhận định rằng hệ thống tài chính Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi lớn, được thúc đẩy bởi các công nghệ như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, Open API, Blockchain và AI.

Ông Ron H.Slangen nhấn mạnh sự thay đổi này đang định hình lại hoạt động ngân hàng truyền thống và thúc đẩy sự trỗi dậy của các công ty công nghệ tài chính. 

Trong thời gian qua, NHNN không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng.

Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 820.000 tỷ đồng mỗi ngày trong khi hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý 26 triệu giao dịch mỗi ngày.

Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia nâng cấp để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động với tỷ lệ cập nhật số liệu thành công từ tổ chức tín dụng đạt mức cao trên 98%.

Hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (đạt gần 100% tổng lượng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số) và hơn 927.000 hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học (đạt hơn 75% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số).

Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%.