Thị trường biến động vì Trump 2.0: Chuyên gia UOB gợi ý chiến lược đầu tư linh hoạt và 3 nhóm ngành tiềm năng

Giữa bối cảnh bất định do chính sách thuế quan của Mỹ, chuyên gia UOB vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam và khuyến nghị 3 nhóm cổ phiếu tiềm năng kết hợp và chiến lược phân bổ danh mục giúp nhà đầu tư vừa nắm bắt cơ hội, vừa phòng ngừa rủi ro hiệu quả.

Trump 2.0 và canh bạc thuế quan: Việt Nam đối mặt sóng gió và cơ hội

Từ nửa cuối tháng 2, thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ, khi các chính sách thuế quan cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ hai tiếp tục tạo ra làn sóng bất ổn kinh tế. Những ngành nhạy cảm như công nghệ, ô tô chứng kiến đà giảm mạnh, trong khi niềm tin nhà đầu tư toàn cầu sụt giảm rõ rệt.

Không nằm ngoài dự báo từ cuối năm 2024, giới phân tích cảnh báo kinh tế thế giới sẽ biến động khó lường dưới chiến lược “Ưu tiên nước Mỹ”,  trọng tâm là tăng áp thuế lên các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, không chỉ riêng Trung Quốc mà còn các đối tác trong khu vực ASEAN.

Tại sự kiện “Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam 2025” do UOB Việt Nam tổ chức ở TP.HCM, ông Abel Lim, Giám đốc Chiến lược và Tư vấn Tài sản của UOB Singapore nhận định chính sách thuế quan mới, đặc biệt ở các mặt hàng như thép, nhôm và hàng tiêu dùng, có nguy cơ tạo ra phản ứng trả đũa đa phương, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam – nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ chịu tác động trực tiếp nếu thương mại quốc tế trở nên phân mảnh hơn.

Việt Nam và Thái Lan được xác định là hai nước ASEAN có nguy cơ cao bị Mỹ áp thuế bổ sung, do có thặng dư thương mại lớn với Washington. Điều này có thể gây sức ép không nhỏ nếu Tổng thống Trump tiếp tục thực thi các biện pháp nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng có lợi cho Mỹ.

Tuy vậy, ông Lim cho rằng ASEAN, trong đó có Việt Nam, vẫn còn "lối thoát" nếu chủ động thúc đẩy nội lực và chiến lược đa dạng hóa. Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng “Trung Quốc + 1” và thu hút FDI trong các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Đồng thời, ngành du lịch phục hồi mạnh cũng góp phần làm giảm áp lực từ các cú sốc thương mại.

Về phía Việt Nam, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Đầu tư của UOB Asset Management cho rằng một số giải pháp ứng phó của Việt Nam như tăng nhập khẩu từ Mỹ (khí hóa lỏng, máy bay, nông sản…) nhằm giảm thặng dư thương mại; đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng và năng lượng; thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tín dụng và kích cầu kinh tế. Ngoài ra, mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các quốc gia khác sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và mở rộng đầu ra xuất khẩu.

Ông Hưng nhấn mạnh năm 2025 sẽ là năm bản lề với nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn được triển khai như đường sắt cao tốc Bắc–Nam (67,3 tỷ USD), sân bay Long Thành (16 tỷ USD) hay nhà máy điện hạt nhân. Những dự án này không chỉ kích thích tăng trưởng trước mắt mà còn tạo nền tảng dài hạn.

Đặc biệt, ngành công nghệ cao, cụ thể là bán dẫn được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2025–2050. Nhiều “ông lớn” như Samsung, Amkor, Marvell, Synopsys… đã công bố kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam. Đây được xem là cơ hội vàng khi Mỹ siết chặt kiểm soát công nghệ với Trung Quốc, thúc đẩy các dòng vốn dịch chuyển sang Đông Nam Á.

Ông Lê Thành Hưng – Giám đốc Đầu tư của UOB Asset Management. Ảnh: UOB

Thị trường chứng khoán dự báo tích cực, vẫn cần đa dạng hoá danh mục

Với những động lực trên, ông Lê Thành Hưng nhận định triển vọng thị trường chứng khoán của Việt Nam năm 2025 tiếp tục duy trì gam màu tươi sáng bởi nhiều yếu tố hỗ trợ như: tiêu dùng nội địa và chính sách mở rộng đầu tư công, xu hướng phát triển công nghệ cao và chuyển đổi số nhanh chóng; lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng, với định giá chiết khấu (P/E và P/B) là yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường; hệ thống giao dịch chứng khoán mới KRX dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 5 năm 2025; tiềm năng nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi năm 2025 bởi FTSE giúp định giá P/E tiệm cận hơn với mức thị trường mới nổi.

Ông Hưng dự đoán chỉ số VN-Index có thể tăng khoảng 21–22% trong kịch bản tích cực, khi EPS toàn thị trường được kỳ vọng tăng 20% và P/E mở rộng khoảng 15%. Định giá hiện tại của thị trường vẫn ở mức hấp dẫn so với các thị trường mới nổi trong khu vực.

 

 

 

 Nguồn: UOB

 

 

 

Ba luận điểm đầu tư trọng yếu được ông Hưng chỉ ra:

  1. Cổ phiếu ngân hàng: Dẫn dắt thị trường nhờ tăng trưởng tín dụng cao 16%, song hành cùng mục tiêu mở rộng đầu tư công và nhu cầu vay vốn phục hồi.

  2. Chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp: Thị trường chứng khoán được hỗ trợ bởi xu hướng nâng hạng thị trường và triển khai hệ thống giao dịch mới KRX trong năm 2025. Trong khi đó, bất động sản khu công nghiệp tiếp tục thu hút vốn FDI, đặc biệt trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

  3. Bán lẻ và tiêu dùng: Sự phục hồi mạnh của ngành du lịch và tăng trưởng thu nhập khả dụng thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Nhóm cổ phiếu bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng nhờ lượng khách quốc tế quay trở lại và nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi.

Bên cạnh đó, ông Hưng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi khả năng phục hồi của ngành bất động sản dân cư trong bối cảnh chính sách tín dụng đang được điều chỉnh linh hoạt hơn. Ngành công nghệ được đánh giá ở mức trung lập do chưa rõ ràng về động lực tăng trưởng ngắn hạn, trong khi nhóm tiện ích và năng lượng được khuyến nghị hạ tỷ trọng do biên lợi nhuận giảm và khó mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất với thị trường chứng khoán trong năm nay vẫn là tâm lý nhà đầu tư quốc tế. Dòng vốn ngoại đã rút ròng mạnh từ quý II/2023 do sức hút của thị trường Mỹ và đồng USD mạnh lên. Thêm vào đó, việc Việt Nam thiếu các thương vụ IPO quy mô lớn trong thời gian dài khiến thị trường kém hấp dẫn trong mắt các quỹ đầu tư toàn cầu.

Tín hiệu tích cực là từ đầu năm 2025, USD Index đã hạ nhiệt, dao động quanh mức 103–104 điểm, góp phần làm giảm áp lực tỷ giá và tạo dư địa để NHNN tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp – yếu tố được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường và cải thiện dòng tiền.

Về chiến lược đầu tư, ông Abel Lim khuyến nghị xây dựng danh mục đa dạng gồm cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp chất lượng, quỹ ETF quốc tế và một phần vàng để phòng ngừa rủi ro chính sách. Trong bối cảnh bất định, nhà đầu tư có thể cân nhắc chiến lược trung bình giá (dollar-cost averaging) để giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường, đồng thời nên duy trì 10–15% tiền mặt nhằm linh hoạt "bắt đáy" khi có cơ hội. 

Ông cũng nhận định Vàng có thể đóng vai trò là tài sản đa dạng hóa và hàng rào phòng vệ trước nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại và những bất ổn trên thị trường. Nhìn chung, nhu cầu dài hạn đối với vàng như một tài sản trú ẩn an toàn được kỳ vọng sẽ tiếp tục mạnh mẽ, dự báo giá vàng có thể lên đến là 3.200 USD/oz trong quý I/2026.

Ông nhấn mạnh: “Chính sách thuế của Mỹ có thể tạo ra những cú sốc bất ngờ, khiến thị trường rung lắc cục bộ. Việc giữ thanh khoản là yếu tố sống còn trong môi trường đầu tư hiện tại.” Ngoài ra, theo dõi tín hiệu từ Fed và chính sách tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định tối ưu hơn.

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC