Thương vụ Vinpearl và câu chuyện tạo hàng hóa mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 26/05/2025 10:40
- Hoàng Linh
Từ góc nhìn quốc tế, những nhà đầu tư tên tuổi như Bill Ackman (Pershing Square) hay John Paulson đã từng thành công nhờ chiến lược đầu tư vào lĩnh vực khách sạn – nghỉ dưỡng.
Ackman từng đầu tư vào chuỗi khách sạn Hilton khi cổ phiếu được định giá thấp sau đại dịch, và tính đến năm 2023, Pershing Square đã ghi nhận khoản lãi lên tới gần 2 tỷ USD từ thương vụ này, với mức sinh lời ước tính trên 120%. Danh mục của quỹ cũng được cải thiện đáng kể nhờ tỷ trọng cao vào cổ phiếu ngành dịch vụ lưu trú.
Trong khi đó, John Paulson nổi danh với quan điểm "tài sản cứng" – tập trung vào các tài sản hữu hình như bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, và từng rót vốn đáng kể vào các tập đoàn khách sạn hạng sang như Extended Stay America hay Caesars Entertainment.
Những câu chuyện trên cho thấy ngành du lịch – khách sạn có thể trở thành cấu phần đầu tư với tỷ trọng cao, cùng chiến lược dài hạn trong danh mục của các nhà quản lý tài sản toàn cầu.
Nhưng tại Việt Nam, dù Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đất nước sở hữu nhiều điều kiện tốt để phát triển ngành – từ cảnh quan thiên nhiên, bờ biển dài, đến tầng lớp trung lưu tăng nhanh, trên HOSE và HNX vẫn thiếu vắng ngành du lịch. Trước khi Vinpearl niêm yết, ngành du lịch gần như không có các doanh nghiệp quy mô lớn, có hệ sinh thái vận hành bài bản và khả năng hấp thụ vốn từ nhà đầu tư tổ chức.
Những cổ phiếu nhỏ lẻ trong ngành trước đây thường bị giới hạn về thanh khoản, vốn hóa, không đủ điều kiện để các quỹ đầu tư quy mô lớn phân bổ tỷ trọng đáng kể. Chưa hết, hiệu quả kinh doanh của nhóm này cũng là một vấn đề lớn được quan tâm.
Nhìn sang các quốc gia khác trong khu vực, điều này hoàn toàn trái ngược. Hàng loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực khách sạn và giải trí tại Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ đều đang sở hữu giá trị vốn hóa từ hàng tỷ USD. Đơn cử, Oriental Land – công ty vận hành Tokyo Disneyland – có vốn hóa khoảng 35,76 tỷ USD, dữ liệu được cập nhật theo Yahoo Finance vào tháng 5/2025.
Bên cạnh đó, Minor International (Thái Lan) có giá trị vốn hóa khoảng 4,31 tỷ USD; Indian Hotels (Ấn Độ) khoảng 13,1 tỷ USD; Genting Berhad (Malaysia) cũng đạt 2,85 tỷ USD. Những công ty này không chỉ có hệ sinh thái hoàn chỉnh, mà còn là lựa chọn quen thuộc của nhiều nhà đầu tư tổ chức quốc tế chuyên theo dõi ngành du lịch – khách sạn.
Sự thiếu vắng những doanh nghiệp tương tự tại Việt Nam đã từng là điểm nghẽn lớn cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức, trong việc tiếp cận ngành du lịch trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, sự kiện Vinpearl lên sàn có thể giải toả phần nào "cơn khát" hàng hóa chất lượng trong lĩnh vực dịch vụ – du lịch và định hình rõ nét hơn về vị thế của một nhóm ngành mới trong cấu trúc vốn hóa thị trường.
Với vốn hóa thị trường ước đạt khoảng 7 tỷ USD, Vinpearl góp thêm một lựa chọn quy mô lớn vào danh mục cổ phiếu ngành dịch vụ – du lịch trên sàn HOSE. Điều này không chỉ góp phần cải thiện cơ cấu ngành trong chỉ số thị trường, mà còn mở rộng lựa chọn tiếp cận ngành cho các nhà đầu tư, đặc biệt các tổ chức. Thêm vào đó, khối ngoại có thể mở rộng chiến lược phân bổ tài sản theo hướng tiếp cận đa ngành nghề, thay vì chỉ xoay quanh các lĩnh vực truyền thống như ngân hàng, bất động sản hay tiêu dùng.
Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital – một trong những nhà đầu tư tổ chức lớn và có ảnh hưởng trên thị trường, đã dự báo về một làn sóng IPO "bom tấn" trong giai đoạn 2025 – 2026, bao gồm những cái tên đáng chú ý như Thaco Auto, TCBS, Bách Hóa Xanh... Trong đó, Vinpearl là thương vụ đầu tiên đã chính thức được kích hoạt, mở đường cho kỳ vọng được hiện thực hóa và khơi thông tín hiệu tích cực về sự đa dạng hàng hóa đầu tư trên thị trường.
Với bối cảnh thanh khoản thị trường chưa thực sự ổn định và dòng vốn ngoại còn dè dặt dù bắt đầu quay trở lại, việc xuất hiện thêm một doanh nghiệp quy mô lớn, thuộc ngành dịch vụ có tiềm năng tiêu dùng cao, có thể xem là “cơn gió mới mát lành”. Việc Vinpearl thành công IPO đã tạo thêm lựa chọn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ tiêu dùng, gắn với triển vọng phục hồi của ngành khách sạn – giải trí và tăng trưởng nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế.
Trong dài hạn, việc phát triển hàng hóa mới cho thị trường chứng khoán là điều kiện cần thiết để thị trường nâng hạng, đa dạng hóa cấu trúc ngành và nâng cao khả năng thu hút dòng vốn tổ chức, bao gồm nhà đầu tư ngoại.