Vinaconex toan tính gì khi rút chân khỏi dự án Cát Bà Amatina?
- 01/07/2025 17:07
- Cao Phong
Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) thông báo sẽ chuyển nhượng toàn bộ 107,1 triệu cổ phiếu (tương đương 51% vốn điều lệ) tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Mã: VCR), với mức giá tối thiểu 48.000 đồng/cổ phiếu.
Giao dịch này dự kiến mang lại ít nhất 5.140 tỷ đồng tiền mặt cho Vinaconex, tương đương khoảng 32% tổng tài sản hợp nhất tính đến ngày 31/3. So với giá thị trường khoảng 42.700 đồng/cổ phiếu tại thời điểm công bố ngày 30/6, mức giá chuyển nhượng cổ phần cao hơn gần 11%.
Động thái rút vốn diễn ra trong bối cảnh bức tranh tài chính của Vinaconex ICT không mấy sáng sủa. Dự án chủ lực Cát Bà Amatina với quy mô 172 hecta sau gần 15 năm triển khai vẫn chưa mang lại nguồn thu lớn, dẫn đến công ty lỗ lũy kế 545 tỷ đồng.
Cải thiện sức mạnh tài chính
Thương vụ thoái vốn Vinaconex là bước đi tiếp theo trong chiến lược nhằm cơ cấu lại dòng tiền, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Trước đó, tổng công ty cũng từng thoái vốn khỏi Cảng Vạn Ninh, Vimeco.
Chứng khoán KBSV đánh giá việc chuyển nhượng dự án Cát Bà sẽ giải phóng thêm nguồn vốn và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho các dự án khác của Vinaconex. Đơn vị này dự báo chỉ số ROE sau thương vụ có thể cải thiện từ 12 lên 15%.
Việc thoái vốn Vinaconex ICT giúp đem lại dòng tiền hơn 5.000 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục cải thiện mức độ an toàn tài chính, tạo thêm không gian huy động vốn phục vụ cho các dự án khác và tăng lợi thế cạnh tranh thầu.
MBS Research cũng đánh giá sức khỏe tài chính của Vinaconex được cải thiện rõ rệt gần đây với tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản ở mức 30%, thấp hơn mức trung bình ngành (37%), dù chưa tính tới dòng tiền bán VCR.
Theo MBS Research, phần vốn góp của Vinaconex vào dự án Cát Bà Amatina được định giá khoảng 7.783 tỷ đồng theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF), với suất chiết khấu WACC là 11,6%.
Mức định giá cao hơn nhiều so với giá tối thiểu mà tổng công ty định thoái vốn, giúp tăng khả năng thành công của thương vụ này.
Xoay tua dòng tiền, tránh phân tán nguồn lực
Thương vụ bán cổ phần này sẽ giúp Vinaconex kích hoạt được dòng tiền khủng đang bị "chôn chân" tại dự án Cát Bà Amatina trong 15 năm qua, từ đó bổ sung nguồn lực cho những dự án khác.
Trong mảng bất động sản, tổng công ty vẫn còn một số dự án khác như Trung tâm thương mại Chợ Mơ (Vinaconex Diamond Tower) quy mô 1,4ha tại nội đô Hà Nội, Khu đô thị đại lộ Hòa Bình quy mô 48ha tại Quảng Ninh. KSBV dẫn thông tin hai dự án này đang hiệu quả, có thể mang lại lợi nhuận 200 - 500 tỷ đồng trong năm nay.
Lĩnh vực khu công nghiệp cũng cần nguồn vốn đầu tư lớn với các dự án trọng điểm KCN Đông Anh, Sơn Đông, Hòa Lạc 2.
Tổng công ty cũng có thể đầu tư vào các ngành tiện ích với dòng tiền ổn định hơn như thủy điện và nước sạch.

Vinaconex còn nhiều dự án bất động sản cần vốn đầu tư. Nguồn: KSBV.
Đặc biệt là mảng xây dựng, ngành nghề truyền thống của doanh nghiệp. Trong năm 2024, mảng xây dựng đóng góp hơn 72% tổng doanh thu hợp nhất, tiếp tục đóng vai trò xương sống trong kinh doanh.
Tần suất Vinaconex tham gia các gói thầu trọng điểm quốc gia tương đối cao, gần đây nhất là tại siêu dự án Sân bay Long Thành khi liên doanh của Vinaconex giành thắng lợi tại gói thầu lớn nhất của dự án (gói thầu 5.10).
Những tháng đầu năm 2025, tổng công ty còn ký ba hợp đồng xây dựng quy mô lớn với tổng giá trị 26.819 tỷ đồng, gồm: dự án thủy điện tích năng Bác Ái giai đoạn 2 (4.334 tỷ đồng), cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn Nam Định – Thái Bình (19.785 tỷ đồng) và mở rộng cao tốc La Sơn – Hòa Liên (2.700 tỷ đồng).

Xây dựng chiếm ưu thế tuyệt đối trong cơ cấu doanh thu Vinaconex. Nguồn: Vinaconex, KBSV – Báo cáo cập nhật ngày 20/5/2025.
Nhờ liên tiếp trúng thầu các dự án hạ tầng quy mô lớn, KBSV ước tính backlog (giá trị hợp đồng chưa thực hiện) đã vượt 26.000 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm công trình trọng điểm như sân bay, cao tốc và hạ tầng đô thị chiếm gần 20.000 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm đấu thầu vừa và việc bổ sung năng lực tài chính, Vinaconex còn có nhiều lợi thế trúng thầu các dự án đầu tư công khác như đường cao tốc 3.000 km, đường sắt cao tốc, sân bay...
Tuy nhiên, với việc thường xuyên góp mặt tại các gói thầu lớn, chuyên gia KBSV cho rằng tổng công ty có thể gặp rủi ro chậm triển khai. Điều này sẽ dẫn tới rủi ro về nghiệm thu và ghi nhận doanh thu trễ, trong bối cảnh các dự án đầu tư công đều bị thúc tiến độ và nguồn lực doanh nghiệp bị phân tán.