YEG bất ngờ xuất hiện trong danh mục của Pyn Elite Fund
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 09/01/2025 10:46
- Xuân Nghĩa
Báo cáo hoạt động mới đây cho thấy hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund đạt 4% trong tháng 12/2024, trong khi VN-Index tăng 1,3%.
Các mã tăng tốt nhất tháng bao gồm YEG của Tập đoàn Yeah1 (68%), CRE của Century Land (13%) và DSE của Chứng khoán DNSE (12,5%). Trong đó, DSE đang đứng thứ 7 về tỷ trọng danh mục cuối năm (chiếm 4,4%), còn YEG và CRE chưa xuất hiện trong các khoản đầu tư lớn tại các báo cáo trước đó.
Ngược lại, HDG của Tập đoàn Hà Đô, ASM của Tập đoàn Sao Mai và DXS của Đất Xanh Service giảm nhiều nhất danh mục, với lần lượt 0,7%, 0,9% và 6,5% trong tháng 12/2024.
VND tiếp tục yếu đi 0,4% so với USD trong tháng cuối năm. Từ đầu 2024, VND đã mất giá 4,8% so với USD. Bất chấp áp lực tỷ giá, Pyn Elite đã kết thúc năm 2024 ở mức hiệu suất 21,8%, vượt hơn so với đà tăng của VN-Index (12,1%).
Các cổ phiếu STB (tăng 32%), FPT (tăng 85%), ACV (tăng 91%), HVN (tăng 134%) đã đóng góp đáng kể vào hiệu suất của quỹ ngoại. Tổng giá trị tài sản ròng tại cuối 2024 đạt gần 489 triệu Euro (xấp xỉ 12.500 tỷ đồng).
Pyn Elite nêu khoản đầu tư tiêu biểu lần này là Vietnam Airlines (Mã: HVN). Hãng hàng không quốc gia có doanh thu năm 2024 ước tính đạt gần 115.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 7.300 tỷ đồng.
Kết quả này cao nhất lịch sử, vượt qua mức trước dịch COVID, mặc dù lượng hành khách vẫn thấp hơn mức năm 2019. Việc huy động vốn dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2025. Điều này sẽ chuyển vốn chủ sở hữu từ âm sang dương vào cuối năm 2025.
Các công ty con của Vietnam Airlines đã trúng thầu một số dự án sân bay mới. Quỹ kỳ vọng một năm tăng trưởng khác cho Vietnam Airlines.
Về bối cảnh kinh tế chung, Chính phủ mới của Việt Nam công bố kế hoạch sáp nhập và chấm dứt một số bộ, ngành để tinh gọn và tối ưu hóa hệ thống. Sau chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Jensen Huang của NVIDIA, Chính phủ đã thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ tới 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án R&D về chất bán dẫn và AI.
GDP của Việt Nam tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước trong quý IV/2024, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 7,1%. Năm 2024, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng mạnh nhất khi tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, tiếp theo là khu vực dịch vụ tăng 7,4%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên 405,5 tỷ USD (tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước). Nhập khẩu cũng tăng tốc lên 380,8 tỷ USD (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước). Thặng dư thương mại ở mức 24,8 tỷ USD. Giải ngân FDI đạt mức cao nhất mọi thời đại là 25,4 tỷ USD. Singapore và Hàn Quốc là những nguồn FDI hàng đầu của Việt Nam.
Tại thư gửi nhà đầu tư vào tháng 12/2024, nhà điều hành Petri Deryng nhận định 2025 và những năm tiếp theo dường như hứa hẹn về mặt tăng trưởng kinh tế đáng kể ở Việt Nam, kéo theo hiệu suất thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông đánh giá việc tháo gỡ các yếu tố rủi ro riêng lẻ bên ngoài có thể làm hiện ra những động lực quan trọng hơn đối với tâm lý thị trường chứng khoán, so với các sự kiện ở chính Việt Nam.
Kỳ vọng dài hạn của Pyn Elite đối với VN-Index vẫn không đổi, ở mức 2.500 điểm. Mục tiêu này dựa trên mức tăng trưởng thu nhập đáng kể dự kiến trong khoảng thời gian 2-3 năm và định giá thị trường chứng khoán theo P/E ở mức 16 lần.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã tập trung vào các rủi ro giảm giá hơn là kỳ vọng. Tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi USD mạnh lên, rủi ro về thuế tiềm tàng từ chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump và dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi cổ phiếu Việt Nam.
Với các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam duy trì tăng trưởng thu nhập, P/E dự phóng cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 sẽ giảm xuống còn 10,1 lần.