KCN Nghĩa Hưng của Gilimex cần hơn 900 tỷ đền bù đất lúa, triển khai xây dựng từ cuối năm nay

KCN Nghĩa Hưng tại Bắc Giang do Gilimex làm chủ đầu tư có tổng vốn 2.200 tỷ đồng, trong đó riêng đền bù đất trồng lúa chiếm khoảng 907 tỷ đồng. Theo kế hoạch, giai đoạn quý IV/2025 - quý IV/2027 doanh nghiệp sẽ tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án này.

Ngày 21/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Nghĩa Hưng tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang đối với CTCP Khu công nghiệp Gilimex Bắc Giang. Dự án này được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 8/2023. 

KCN Nghĩa Hưng theo phê duyệt có diện tích lập quy hoạch gần 149 ha, thuộc địa bàn các xã Đào Mỹ và nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang. Phía đông nam dự án giáp ĐT.398B; phía tây nam giáp ĐT292B; phía tây bắc giáp đất nông nghiệp xã Đào Mỹ; phía đông bắc giáp đất nông nghiệp xã Nghĩa Hưng và quỹ đất quy hoạch khu đô thị dịch vụ Nghĩa Hưng.

Bán kính 500 m xung quanh dự án có UBND xã Nghĩa Hưng và UBND xã Đào Mỹ. Hiện trạng khu đất chủ yếu là đất nông nghiệp (khoảng 131 ha); đất giao thông 12,5 ha; còn lại là đất kênh mương, nghĩa trang và công trình hiện trạng.

Tuyến ĐT.398B tiếp giáp dự án đã thi công hoàn thiện, thảm nhựa mặt đường, rộng 12 m; còn tuyến ĐT.292B đang thi công cũng rộng 12 m.

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 97 ha để xây dựng các công trình nhà máy, xí nghiệp; 22 ha đất cây xanh mặt nước; khoảng 25 ha đất giao thông và bãi đỗ xe; khoảng 3 ha dành cho đất dịch vụ và 2,5 ha cho hạ tầng kỹ thuật.

Khu đất dịch vụ của dự án sẽ bố trí tiếp giáp với ĐT.299D, được xây cao tối đa 9 tầng, mật độ xây dựng tối đa 50%, bao gồm các hạng mục như trụ sở của ban quản lý dự án, thuế vụ, hải quan, ngân hàng, bưu điện, trung tâm y tế... 

Các công trình nhà máy xí nghiệp được xây tối đa 5 tầng, mật độ xây dựng tối đa 70%. Toàn bộ các nhà máy đều hướng ra những trục đường chính. Các nhà máy sản xuất công nghiệp nhẹ ưu tiên xây cao tầng và bố trí gần trung tâm khu đất. Hệ thông giao thông của dự án sẽ có các tuyến đường với mặt cắt ngang 19,5 - 48 m.

Trong báo cáo vừa công bố, chủ đầu tư cho biết trong giai đoạn đến quý III/2025 sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng dự án; giai đoạn quý IV/2025 - quý IV/2027 tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. 

Để giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự kiến cần khoảng 953 tỷ đồng, trong đó riêng đền bù đất trồng lúa chiếm khoảng 907 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư của toàn dự án này là 2.200 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư chiếm 330 tỷ đồng (đã góp đủ).

Một góc huyện Lạng Giang. (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Lạng Giang).

Khu công nghiệp thứ 3 của nhóm Gilimex

Về chủ đầu tư, Gilimex được thành lập vào tháng 8/2023 với vốn điều lệ 330 tỷ đồng, trụ sở đặt tại TP Bắc Giang, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Hoàng Tiến Đạt.

Được biết, Gilimex Bắc Giang là công ty con gián tiếp trực thuộc CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã: GIL). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Gilimex tại Gilimex Bắc Giang là 92,638%, tính đến 31/12/2024. Bản thân ông Hoàng Tiến Đạt cũng đang là Thành viên HĐQT tại Gilimex.

Nói qua về Gilimex, doanh nghiệp này ra đời từ năm 1982, là một doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất sản phẩm may tại Việt Nam. Gilimex niêm yết trên HOSE từ năm 2002. Hiện Gilemex có khoảng 15 công ty con và 2 công ty liên kết.

Những năm qua, Gilimex đang mở rộng đầu tư sang lĩnh vực BĐS khu công nghiệp. Doanh nghiệp cho biết đang thực hiện thành lập KCN tại 5 địa phương, bao gồm Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Quảng Ngãi và Quảng Nam.

Trong đó, KCN Phú Bài 4 (461 ha, 2.614 tỷ đồng) tại thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế và KCN Gilimex Vĩnh Long là 2 dự án đã Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và đang triển khai thực hiện.

Một số đơn vị thành viên phát triển mảng khu công nghiệp của Gilimex ngoài Gilimex Bắc Giang có thể kể đến như CTCP Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long (vốn 600 tỷ); CTCP Khu công nghiệp Gilimex (vốn 510 tỷ đồng); CTCP Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi (990 tỷ).

Nói về tiềm năng của KCN Nghĩa Hưng, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 mới đây, ban lãnh đạo Gilimex chia sẻ, Bắc Giang là một trong những địa phương thu hút nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, đặc biệt trong 5 năm gần đây. Nhiều nhà đầu tư lớn như Amkor, Samsung, Gortek, JA Solar, Foxconn... đang có nhu cầu đặt máy tại Bắc Giang.

Vị trí dự án cũng thuận tiện để di chuyển thuận tiện đến TP Bắc Giang, sân bay Nội Bài, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cảng Hải Phòng, Cảng Cái Lân... Hiện nay, Gilimex Bắc Giang đang tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng và triển khai KCN Nghĩa Hưng.

"Về thuế đối ứng của Mỹ, sau khi có thông tin về việc áp thuế, các nhà đầu tư thứ cấp từ Trung Quốc, Nhật Bản và một số nhà đầu tư đã đầu tư tại Việt Nam trước đây vẫn muốn mở rộng nhà máy tại các khu công nghiệp của Gilimex.

Trong thời gian này, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật thông tin trong nước và quốc tế để có những chính sách kịp thời cho các nhà đầu tư. Tiếp tục tập trung vào các thị trường lớn để tìm kiếm nhà đầu tư như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thuế đối ứng Mỹ là cơ hội và cũng là thách thức cho Gilimex. Do đó, các KCN của Gilimex phải sẵn sàng tất cả mọi thứ về giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, sẵn sàng quỹ đất sạch để đón tiếp các nhà đầu tư tìm đến dự án", ban lãnh đạo Gilimex chia sẻ tại đại hội.

Năm nay, Gilimex đặt mục tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 160 tỷ đồng, chia cổ tức dự kiến 10%.