Khối tự doanh CTCK giao dịch ra sao trong 6 tháng đầu năm 2025?

Hoạt động giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán nửa đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy sự thận trọng. Xu hướng bán ròng chiếm ưu thế với tổng giá trị lên tới hơn 5.500 tỷ đồng tập trung vào nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại 6 tháng đầu năm 2025 với nhiều biến động đáng chú ý. VN-Index kết thúc tháng 6 ở mức 1.376 điểm, tăng 110 điểm (tương đương 8,6%) so với đầu năm và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Trong nửa đầu năm, thị trường từng trải qua đợt điều chỉnh sâu vào tháng 4, khi VN-Index lao dốc gần 17% do ảnh hưởng từ thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng. Tuy nhiên, chỉ số nhanh chóng hồi phục trong quý II nhờ các biện pháp điều hành kịp thời của Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động từ rủi ro bên ngoài.

Tâm lý nhà đầu tư cải thiện trở lại khi nhiều tổ chức dự báo khả quan về triển vọng tăng trưởng của VN-Index trong nửa cuối năm.

Trong bối cảnh đó, hoạt động giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục cho thấy sự thận trọng. Thống kê từ dữ liệu giao dịch cho thấy khối tự doanh ghi nhận xu hướng bán ròng chiếm ưu thế, với tổng giá trị lên tới hơn 5.500 tỷ đồng tập trung vào nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Dẫn đầu danh sách bán ròng là cổ phiếu GEX, với giá trị lên tới 930 tỷ đồng, cho thấy áp lực thoái vốn rõ rệt từ khối tự doanh đối với cổ phiếu này. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Tập đoàn Gelex có nhịp tăng gần 96% từ đầu năm, chốt phiên 30/6 tại 37.400 đồng/cp.

Ở nhóm ngân hàng, STB và CTG bị bán ròng với quy mô 774,4 tỷ đồng và 327,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, FPT và HPG – hai cổ phiếu bluechip thường được khối tổ chức ưa chuộng cũng bị rút ròng lần lượt 428,2 tỷ đồng và 386,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, danh mục rút vốn còn có các đại diện nhóm nông nghiệp, bất động sản, bán lẻ, thực phẩm như HAG (637,6 tỷ đồng), KDH (437,5 tỷ đồng), CII (405,1 tỷ đồng), MWG (272,9 tỷ đồng) và VNM (271,3 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, dòng tiền tự doanh lại tăng cường giải ngân đối với các chứng chỉ quỹ ETF và một số mã cổ phiếu có thanh khoản tốt. Cụ thể, chứng chỉ quỹ E1VFVN30, được mua ròng tới 1.298,6 tỷ đồng, cao nhất toàn thị trường. Đây là tín hiệu cho thấy khối tự doanh đang có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang các tài sản đại diện cho chỉ số, đặc biệt là nhóm VN30.

Cùng chiều, chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được gom ròng mạnh với 862,6 tỷ đồng. Trong nhóm cổ phiếu, TCB ghi nhận mức mua ròng 638,4 tỷ đồng, theo sau là VIX (416 tỷ đồng), EIB (250,8 tỷ đồng), BSR (172,8 tỷ đồng), VGC (171,7 tỷ đồng), VIB (168,8 tỷ đồng), CTR (114,5 tỷ đồng) và CMG (95,8 tỷ đồng).

Thống kê cho thấy khối tự doanh tiếp tục duy trì chiến lược giao dịch thận trọng, ưu tiên cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm tỷ trọng ở các mã riêng lẻ có biến động mạnh, đồng thời tăng mua chứng chỉ quỹ để đảm bảo hiệu quả đầu tư và bám sát xu hướng chỉ số. 

Theo nhóm phân tích của công ty chứng khoán, trong bối cảnh thị trường đang có nhiều yếu tố hỗ trợ, dòng vốn tự doanh có thể linh hoạt trở lại nếu các tín hiệu tích cực được duy trì rõ ràng hơn trong nửa cuối năm.

CÙNG CHUYÊN MỤC